Trang

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

CHUYỆN CŨ KỂ LẠI VÀ SUY NGẪM…Văn xuôi. Lê Trường Hưởng

Bí thư Thăng cấm dạy thêm, học thêm từ năm học tới




CHUYỆN CŨ KỂ LẠI VÀ SUY NGẪM…

Vào thập niên 60 của Thế kỷ trước, tôi có anh bạn thân cùng học cấp III. Tốt nghiệp Phổ thông, anh bạn tôi vào Trường Đại Học Sư Phạm, còn tôi vào Trường Đại Học Bách Khoa.
Ra trường ĐHSP với tấm Bằng loại ưu, anh bạn tôi được điều động về dạy một trường cấp III của Thị xã Sơn Tây thuộc tỉnh Hà Tây (cũ).
Anh là Giáo viên dạy giỏi, tận tụy với nghề, được học sinh và cả   các Phụ huynh quý mến. nhưng bản thân phải sống lặng lẽ trong cảnh bần hàn…

Cho đến cái ngày hôm ấy…có một vị phụ huynh tới thăm nhà Thầy. Tận mắt thấy gia cảnh Thầy khó khăn, thiếu thốn, bữa ăn đơn sơ, đạm bạc; Quần áo Thầy chỉ có…nhất bộ! Động lòng trắc ẩn, Vị phụ huynh này ra tay giúp Thầy thoat nghèo. Vốn là một ”Đại Gia” sản xuất, kinh doanh Bánh kẹo, Vị này nhanh chóng truyền nghề  và “sang tên” một số mối làm ăn cho Thầy. Thế là, ngoài giờ đứng trên bục giảng, Thầy lao vào “nghề tay trái”. Công việc làm ăn của Thầy khá thuận lợi, do mọi người – phần lớn là Phụ huynh học sinh ủng hộ Thầy bằng cách mua hàng và giới thiệu các “mối” cho Thầy. Một thời gian dài sau đó, Thầy xây được 1 ngôi nhà 4 tầng khang trang ngay trong Thị Xã; Cuộc sống khá sung túc do thu nhập cao, ổn định. Thầy cảm thấy may mắn hơn rất nhiều đồng nghiệp lúc đó; Có những Cô giáo phải xoay xở “chạy chợ” bán từng mớ rau, quả trứng… Có những Thầy phải làm thuê, gánh mướn…
Cũng đã có người khuyên Thầy nên bỏ quách cái nghề gõ đầu trẻ bạc bẽo, lương lại còm cõi đi theo nghề bánh kẹo, chẳng mấy chốc sẽ thành triệu phú! Nhưng Thầy trả lời là Thầy yêu quý nghề Giáo, Nghề này đã ăn sâu vào máu rồi, sao có thể bỏ được? Thầy làm tạm nghề phụ chẳng qua là để nuôi nghề chính!

Rồi một bước ngoặt đến với vợ chồng anh bạn tôi: cả hai được chuyển về dạy một trường cấp III, thuộc loại “điểm” của Hà Nội   ( hai vợ chồng anh bạn đều là Giáo viên ).
Người đã giỏi thì ở đâu cũng giỏi! Tiếng tăm “Thầy dạy hay” lan đi rất nhanh. Một số Phụ huynh bàn nhau mở lớp mời Thầy kèm cặp thêm cho con cái họ; Lúc đầu Thầy cũng hơi ngần ngại, nhưng trước nhiệt tình của các vị phụ huynh và mong muốn của học sinh, Thầy nghĩ đây là lao động chân chính, mình bỏ công sức của mình, làm đúng nghề được đào tạo, nên vui vẻ nhận lời.
Lớp “dạy thêm” của Thầy do các vị Phụ huynh tổ chức nhưng Thầy “đứng tên” nên thu hút được rất đông học sinh và trở thành “lò” luyện thi Đại học lúc nào không hay! Thầy và các đồng nghiệp của Thầy tận tình truyền thụ và đúc kết, tổng hợp kiến thức cho học sinh, lại thường xuyên cập nhật những cái mới. Vì thế lớp của Thầy đỗ vào Đại học có tỷ lệ khá cao thuộc loại nhất , nhì Hà Nội!
Sau nhiều năm lao động cật lực bằng cả…hai tay, Thầy cũng mua được nhà ở Hà Nội, con cái Thầy được học hành mọi thứ đầy đủ, gia đình Thầy có mức sống cao.
Thầy là giáo viên dạy giỏi nhưng cũng là một người Thầy có lương tâm , đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Ở lớp “chính khóa” Thầy làm Chủ nhiệm, Thầy theo sát, nắm được sức học của từng học sinh, với vài em còn yếu, Thầy tận tình phụ đạo để các em này tiến kịp với bè bạn; Tỷ lệ học sinh khá giỏi lớp của Thầy đạt cao nhất trường. Với những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hoặc gặp nạn đột xuất, Thầy quan tâm giúp đỡ cho cả tiền mua sách vở, may quần áo hoặc thuốc men…Ở lớp “học thêm” ngoài việc tổng hợp, Thầy còn nâng cao kiến thức cho học sinh, phát huy tính độc lập suy nghĩ và sự sáng tạo.

Sau khi nghỉ hưu, anh bạn tôi vẫn còn đứng lớp “học thêm” vài năm. Nhưng rối con cái đều thành đạt, có “Nhà lầu xe hơi”đầy đủ, anh không những không phải lo lắng gì mà chúng lại một hai đòi…nuôi bố mẹ. Anh, chị mới rửa tay gác…phấn, đi sinh hoạt các Câu lạc bộ để nâng cao sức khỏe, đi làm từ thiện và ngao du đó đây cả trong, ngoài nước.
Anh bạn tôi quả thực đã toàn tâm toàn ý, sông chết với nghề, hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp trồng người. Cuộc sống đàng hoàng anh đang được hưởng là hoàn toàn xứng đáng!

Những năm gần đây, ngành Giáo dục nở ra nhiều con Sâu làm méo mó đi việc “dạy thêm , học thêm” đồng thời cũng Làm méo mó đi hình ảnh cao quý của Người Thầy trong con mắt người dân.
Cũng đã nhiều năm Ngành Giáo dục thả nổi không quản lý ( hay không quản lý nổi ) việc “dạy thêm, học thêm” nên càng ngày càng tiêu cực như hiện nay.
“Không quản lý được thì cấm!” đó là “giải pháp”…hữu hiệu thường áp dụng trong mọi lĩnh vực ở nước ta.
Nhưng đối với lĩnh vực Giáo dục, việc “cấm hẳn day thêm, học thêm” sẽ gây ra hệ lụy khôn lường! Về phía học sinh: những học sinh yếu, có lỗ hổng về kiến thức không biết bù đắp ở đâu; Nhưng học sinh khá giỏi muốn nâng cao kiến thức để vươn lên cũng không có chỗ. Nhiều học sinh ngoài “chính khóa” sẽ không có ai quản lý, suốt ngày “Ghêm”, “chít chát” lêu lổng. Về phía các Thầy Cô giáo: Những Thầy ,Cô giáo trẻ mới vào nghề-lực lượng kế cận-sẽ phải vật lộn với mưu sinh, không còn tha thiết với nghề, thậm chí sẽ bỏ nghề!
Những hệ lụy đó sẽ gây nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội!
Các nhà Quản lý Giáo dục vốn được tiền thuế của dân nuôi cho “ăn sung mặc sướng”; Thay vì “cấm hẳn” việc “dạy thêm, học thêm” hãy cố gắng động não suy nghĩ ra cách gì đó “vẹn cả đôi đường” vừa lợi cho dân, vừa ích cho nước!

L.T.H.