Trang

Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

CUỘC GẶP BẤT ĐẮC DĨ.Truyện. Lê Trường Hưởng

Cách đây khoảng bốn năm, Tiến sĩ Khoa học, Dịch giả, Nhà thơ Phan Bạch Châu bị một cơn tai biến; May nhờ có vợ anh Tiến sĩ Y Khoa Nguyễn Thị Hồng, anh đã ở lại trần thế. Nhân sự kiện này, tôi viết truyện "Cuộc gặp bất đắc dĩ". Nhưng cũng từ đó đến nay, có những chuyện lạ xảy ra khá trùng hợp! TS. Phan Bạch Châu sức khỏe không những không giảm sút mà lại càng ngày càng tăng: ăn khỏe, ngủ khỏe, đi khỏe: liên tục có các chuyến xuyên Việt và ra cả nước ngoài không biết mệt. Sức làm việc thì tăng gấp nhiều lần. Ngoài công việc chuyên môn anh giúp cho Hội Cảng Đường Thủy và Thềm Lục Địa, còn kiêm Trưởng ban biên tập Tạp chí Biển&Bờ, rồi sáng tác, dịch thuật...Anh đã công bố đến dăm đầu sách các loại; Cứ y như anh đã được uống ba viên Linh Đan của Thái Thượng Lão Quân, và Nam Tào "đề nghị" anh sống thêm vài giáp như truyện tôi viết!
Tôi đăng lại Truyện này để minh chứng.Nhân tiện cũng gửi tới Cu Vinh một lời nhắn: "nói xấu", tôi cũng đã có...thâm niên!


chauphanbach chauphanbach
                                             TS. Phan Bạch Châu

CUỘC GẶP BẤT ĐẮC DĨ



 Một buổi tối mùa đông, trời rất lạnh. TV truyền hình ảnh tuyết rơi đầy trên đỉnh Mẫu Sơn, từng đoàn người kéo nhau lên chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên kỳ thú hiếm thấy ở xứ nhiệt đới.
Chương trình thời sự, tiếp đó là dự báo thời tiết trên VTV vừa kết thúc, cũng là lúc dùng xong bữa tối, Bạch Châu uống nước, nghỉ ngơi đôi chút rồi lại tiếp tục ngồi vào bàn làm việc, cặm cụi sửa bản in thử tập thơ " Mùa lá rụng " do chính mình dịch từ nguyên bản tiếng Nga, chuẩn bị xuất bản.
Hồi lâu, thấy trong người khó chịu, một cảm giác mệt mỏi, rã rời xâm chiếm. Bạch Châu ngừng công việc, ngả lưng tạm trên chiếc ghế Xô Pha gần đó.
Bỗng có tiếng chân người bước huỳnh huỵch, gấp gáp ở phía cầu thang. Cửa phòng bật mở, hai người cao lớn, vạm vỡ, hình dung cổ quái xông vào. Một người mặt đen như than, hai con mắt đỏ ngầu, to bằng hai chiếc chén tống, như lồi ra khỏi hốc mắt, cái miệng rộng ngoác, loe ra như miệng bình, lởm chởm toàn răng trắng nhởn, trên đầu có hai cái sừng nhọn, cong như sừng trâu. Một người mặt xanh lè, mắt ti hí, mõm nhọn, trên trán có một chiếc sừng ngắn như sừng tê giác, hai mép lòi ra hai chiếc răng nanh cong veo, nhọn hoắt. Hai người mặc đồng phục rất kỳ quái: nhiều vạt, nhiều lớp, hai vai chìa ra như hai mái nhà, giữa ngực có một vòng tròn to tướng, đai lưng to bản. Không rõ trang phục may bằng gì mà khi cử động có tiếng loảng xoảng kim khí. Tay hai người cầm cùng một loại binh khí: đó là một cây gậy to và dài, trên đầu có gắn 1 lưỡi hái sắc lẹm. Người mặt xanh còn cầm thêm 1 cuộn dây thừng sợi nhỏ, săn chắc.
Người mặt đen cất tiếng, giọng oang oang như lệnh vỡ:- Bạch Châu! dậy! đi theo bọn ta mau!Giật bắn mình, vẫn nằm trên ghế, Bạch Châu mở mắt ra nhìn thấy hai khuôn mặt khủng khiếp vừa rất lạ, lại vừa quen quen như đã gặp hay nhìn thấy ở đâu đó, liền hỏi:
- Các ông là ai? các ông ở đâu? tại sao lại vô cớ xông vào nhà tôi? các ông không biết phép lịch sự à?
- Lịch sự? vậy thì bọn ta cũng lịch sự nói cho ngươi biết ngươi đã bị bắt!- người mặt xanh nói.
- Bắt tôi ư? các ông có nhầm không đấy? -
Bạch Châu hỏi lại.

- Nhầm làm sao được! bọn ta đã theo dõi ngươi từ lâu lắm rồi!
-người mặt đen trả lời.
- Nhưng bắt tôi vì tội gì?
- Tội nhầm chỗ và tội cứng đầu!
- Nhầm chỗ? chỗ nào? tại sao?
- Tại sao thì đi theo bọn ta sẽ biết!
- Nhưng lệnh bắt tôi đâu?
- Cái bọn trí thức này hay lý sự lôi thôi, giải hắn đi!
- người mặt đen quát.- Tôi phản đối!... Bạch Châu nói chưa dứt lời đã thấy mình như bị lôi tuột xuống một cái hố rất sâu rồi bị kéo lê theo dọc một đường hầm dài hun hút, tối đen như mực, hai tai nghe văng vẳng tiếng giun dế kêu ri ri, và thấy lạnh buốt dọc sống lưng...Cuối cùng cũng đến được một căn phòng rộng rãi, ánh sáng bập bùng, mờ ảo phát ra từ những bó đuốc cắm trên tường. Trên chiếc bục cao ở cuối phòng có kê một chiếc án thư dài sơn son thiếp vàng, đằng sau án thư, trên chiếc ghế chạm trổ cầu kỳ là một người ngồi oai vệ, mặc y phục giống như vua, đầu đội mũ có rèm che bằng những hạt ngọc nhỏ, mặt người này trắng toát như sáp nến. Đứng hai bên là hai người dáng vẻ thư sinh, đội mũ ô sa. Phía trước án thư, ở bên dưới là hai hàng lính mặc võ phục xanh đỏ, mặt mũi cổ quái, không rõ là người hay là thú, tay mỗi người cầm một cây trượng vuông, tựa vào vai, một đầu chống xuống nền nhà.Bạch Châu bị lôi qua ngưỡng cửa, đến trước án thư, giữa hai hàng lính.
- Quì xuống! Người mặt đen rít trong cổ họng.
- Tôi chưa bao giờ biết quì! Bạch Châu cứng cỏi đáp.
-  Qù...ì...! cả hai hàng lính đồng thanh trầm trầm như tiếng gầm của thú dữ.
Bạch Châu vẫn đứng sừng sững! Người mặt xanh đạp mạnh vào khoeo chân, Bạch Châu khuỵu xuống, định vùng đứng lên nhưng không làm sao nhấc nổi mình.
- Người kia! họ tên là gì? ở đâu đến? bị bắt xuống đây vì tội gì? - Người ngồi sau án thư hỏi.
- Trước hết, ông phải cho tôi biết tôi đang ở đâu, và ông là ai đã chứ! - Bạch Châu trả lời.
- Hỗn xược! ta nói cho ngươi biết, ngươi đang ở Diêm La Điện, Đại Vương đây là Diêm Vương, ta là Hữu Phán Quan còn vị đứng bên kia là Tả Phán Quan. Dẫn giải ngươi là Hắc Sứ Giả và Thanh Sứ Giả. - người đứng bên trái nói.
- Khi bắt tôi các ông đã biết tôi là ai, tôi ở đâu, để bắt tôi các ông ghép cho tôi tội gì mà chẳng được, việc gì còn phải hỏi! - Bạch Châu đáp.
- Bẩm Đại Vương, tên này là Bạch Châu, sinh năm Mậu Dần, hiện ở Kim Giang, chúng thần bắt y vì tội nhầm chỗ và tội cứng đầu. - Hắc Sứ Giả tiến lên thưa.
- Tội cứng đầu quả không oan! - Hữu Phán Quan nói nhỏ vào tai Diêm Vương.
- Đại Vương hỏi ngươi là theo đúng trình tự của luật pháp, phải xác định đúng người, đúng tội, ngươi rõ chưa? - Tả Phán Quan nói
- Luật pháp? luật pháp nào vậy? Luật pháp nào lại vô cớ xông vào nhà tôi, bắt tôi đi mà không hề có lệnh bắt và lệnh khám xét? - Bạch Châu giận dữ nói.
Nghe đôi bên đối đáp, Diêm Vương bỗng chột dạ nói nhỏ với Hữu Phán Quan:
- Cái tên Bạch Châu ta nghe cũng quen quen, nhưng ta nhớ là chưa tống đạt trát đòi người này! Vậy Quyết dịnh của Nam Tào đâu, mau đưa ta xem!
- Bẩm... không... có! -
sau khi tra sổ hồi lâu, Hữu Phán Quan thưa.
- Nguy rồi! nối máy cho ta nói chuyện với Nam Tào mau!- Diêm Vương ra lệnh cho Hữu Phán Quan.
Gần như tức khắc ống nghe được đưa vào tay Diêm Vương. Cuộc đàm thoại bắt đầu, không hiểu họ dùng thứ ngôn ngữ gì mà Bạch Châu mặt cứ nghệt ra chẳng biết một từ nào, mặc dù Bạch Châu thông thạo đến vài ngoại ngữ!
Có lẽ cuộc nói chuyện quan trọng và căng thẳng nên Diêm Vương đứng bật dậy, lưng cong, gật đầu lia lịa. Còn hai vị Phán Quan lắc đầu, lè lưỡi nhìn nhau.Liên lạc vừa dứt, Diêm Vương lật đật chạy xuống, quát sai người lấy ghế, đỡ Bạch Châu dậy và nói:- Mời tiên sinh ngồi! chúng tôi có sự thiếu sót, nhầm lẫn! tôi xin giải quyết ngay bây giò!Nói xong Diêm Vương lại lật đật chạy về chỗ ngồi, đập bàn thét lớn:
- Hắc, Thanh sứ giả! sao chưa có lệnh mà các ngươi đã dám bắt người?
- Bẩm Đại Vương! tên...à... Tiên Sinh đây phạm tội quả tang chúng thần tưởng không cần chờ lệnh, vả lại bắt nhầm còn hơn bỏ sót! -
hai sứ giả nói
- Láo xược! các ngươi có biết các ngươi đã gây ra hậu quả nghiêm trọng thế nào không? - Diêm Vương quát ầm ầm như động đất rồi nói tiếp:
- Lần trước cũng do nhầm lẫn lại quá chậm trễ nên cái xác của Trương Ba đã bị phân huỷ. Ta và ngài Nam Tào đã có sáng kiến cho hồn Trương Ba nhập vào xác lão hàng thịt, tưởng đó là phương án tối ưu, cả hai bà vợ đều vẫn thấy chồng mình, một phần hồn, một phần xác, nào ngờ có tranh chấp quyết liệt, kiện tụng kéo dài, phức tạp vô cùng...- Diêm Vương ngừng một lát lấy hơi rồi nói tiếp:
- Đã thế, trên dương gian có một gã nhà văn lại viết một vở kịch lấy luôn tên là  "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" công diễn khắp nơi, bêu riếu làm ta mất mặt, cay đắng vô cùng! Lần này có khi còn tệ hơn vì động chạm đến vấn đề Nhân quyền, Quốc tế người ta đang đề cập đến!
- Xin Đại Vương bớt giận! hai vị sứ giả từ trước đến nay đã có nhiều công lao...
- Hữu Phán Quan thưa.
- Hắc, Thanh sứ giả nghe chỉ! - Diêm Vương cao giọng
- Tội lỗi tái phạm của hai ngươi không thể dung tha! Nhưng xét công trạng đã lập được của hai ngươi, ta tha cho tội chết! nhưng cách chức sứ giả, đầy xuống tầng địa ngục thứ chín làm quản giáo!
- Tuân chỉ! tạ ơn Đại Vương! -
hai Sứ giả phủ phục bái lạy.
- Bộ Hộ đâu?- Diêm Vương gọi to sau khi trấn tĩnh giây lát.
- Có thần! - quan coi Bộ Hộ bước ra vòng tay cung kính.
- Khanh đưa ngay Bạch Châu tiên sinh lên Thiên Đình, ngài Nam Tào cần gặp!
- Tuân chỉ!
- quan coi Bộ Hộ đến cầm tay Bạch Châu định kéo đi.
- Khoan đã! khanh định đưa Tiên sinh đi bằng phương tiện gì? - Diêm Vương hỏi.
- Bẩm Đại Vương, Bạch Châu tiên sinh trước đây du học ở Liên Xô cũ, thần sẽ thu xếp để Tiên sinh đến sân bay vũ trụ Baicônua đi tàu vũ trụ Phương Đông 2007.
- Tốt lắm! thế mới kịp! nhưng nhân đây ta cũng nhắc khanh: làm gì có Liên Xô mới mà khanh gọi là Liên Xô cũ? Nói Liên Xô tức là cũ rồi! Khanh là quan văn mà không biết dùng từ sao?
- Đại Vương anh minh! thần đã sáng ra rồi!

...Bạch Châu bỗng thấy lâng lâng như bay lên chín tầng mây, trời sáng dần, những tia nắng vàng rực rỡ. Réo rắt đâu đây tiếng đàn Balalaica đang tấu lên khúc nhạc Kalinka vui tươi và khúc nhạc Chiều ngoại ô Moskva tha thiết, thân quen...
Phút chốc đã lên tới cổng Thiên Đình. Mây trắng ken dày như tấm thảm bồng bềnh dưới chân. Bên cạnh hai cột trụ cao ngất đắp nổi hai con rồng cuốn, Tiên ông phụ tá của Nam Tào đã đứng chờ sẵn, bước ra đon đả:- Chào Bạch Châu tiên sinh! mời tiên sinh theo tôi!Hai người đi dọc theo một nhà cầu dài ra tới một khu vườn rộng, chan hoà ánh nắng, ngào ngạt hương hoa thơm, cỏ lạ, tiếng chim hót líu lo. Dưới gốc cây Bồ Đề cổ thụ, Nam Tào và Bắc Đẩu đang ngồi đánh cờ bên chiếc bàn là một phiến đá cẩm thạch lớn, nhẵn bóng. Có lẽ đã đến lúc cờ tàn nên cả hai vị mắt đăm đăm nhìn vào bàn cờ, vẻ mặt căng thẳng. Hai tiên đồng đứng sau lưng hai vị, sợ làm kinh động cũng đứng im phăng phắc không dám phe phẩy hai chiếc quạt lông to tướng cầm trên tay.
- Chiếu tướng! ngài hết cờ rồi nhé!- Nam Tào vỗ đùi cười đắc thắng
Tiên ông phụ tá tiến đến nói nhỏ vào tai Nam Tào, lập tức Nam Tào quay lại đứng dậy bắt tay Bạch Châu:
- Anh Bạch Châu đã lên rồi đấy à? Mời anh ngồi! Ta xưng hô thế cho thân mật nhé! Vả lại mới phù hợp với thời buổi cơ chế thị trường và cả...hội nhập...Thế nào? anh thấy rõ tội danh mình rồi chứ?- Nam Tào mỉm cười.
- Tôi nghĩ là tôi chẳng có tội gì cả! - Bạch Châu phẫn uất -
Người ta lại dám chụp cho tôi hai tội là tội nhầm chỗ và tội cứng đầu!
- Anh cứ bình tĩnh! Ta cùng trao đổi
- Nam Tào cười dàn hoà.
Và sau đây là cuộc đối thoại của hai người:

Bạch Châu (BC): Thứ nhất, về tội nhầm chỗ - chỗ làm việc ở cơ quan, tôi đã đảm nhiệm vài vị trí, thực hiện rất tốt những công việc mà tôi đã được đào tạo bài bản, kỹ lưỡng, có học hàm, học vị hẳn hoi như thế là ngồi đúng chỗ! Còn chỗ ở, tôi cùng gia đình ở đúng nhà tôi mua, ngồi trên đúng phương tiện tôi sắm, không chiếm của người khác, sao gọi là nhầm chỗ được? Thứ hai, về tội cứng đầu - tôi luôn chấp hành sự phân công của tổ chức và yêu cầu của cấp trên; Không làm gì sai với đường lối, chủ trương, chính sách...sao gọi là cứng đầu được?
Nam Tào (NT): Anh biết một mà không biết hai! để tôi phân tích cho anh thấy: ở chỗ anh làm, anh luôn đứng ngoài guồng máy như thế là nhầm chỗ! Anh nên nhớ rằng anh chỉ là một chiếc đinh ốc nhỏ trong guồng máy ấy!
BC: Đúng vậy! nhưng tôi không thể là một chiếc đinh ốc tồi trong một cỗ máy tồi chẳng mấy chốc mà hỏng...
NT: Anh đâu phải là chiếc đinh ốc tồi?
BC: Đinh ốc có tốt lắp vào cỗ máy tồi có khi làm máy mau hỏng hơn! Vả lại tôi quen làm việc độc lập!
NT: Một người có học vị Tiến Sỹ, có trình độ, năng lực như anh mà cứ ngồi mãi cái ghế của anh cán bộ kỹ thuật, đáng lẽ anh phải ngồi ghế lãnh đạo! như thế chẳng phải là nhầm chỗ sao?
BC: Nhưng có ai cất nhắc tôi đâu?
NT: Anh định há miệng chờ sung chắc?
BC: Tôi lưu ý ngài là ngài đang xúc phạm tôi!
NT: Tôi không xúc phạm anh! nhưng anh phải nhớ rằng không có cái gì tự đến cả, phải vận động chứ!
BC: Nhưng tôi không quen luồn lọt hoặc chạy chức!
NT: Anh có cái khí khái của một ông đồ gàn, một kẻ hủ nho!
BC: Tôi đâu có học chữ nho?
NT: Đúng! tôi biết anh là người Tây học! nhưng ở phương Tây người ta cũng vận động tranh cử!
BC: Người ta khác...
NT: Tôi được báo cáo hai vợ chồng anh đều là Tiến Sỹ mà lại ở trong một khu chung cư tồi tàn, đi một chiếc xe ô tô Matiz Lẽ ra anh phải ở trong một biệt thự sang trọng và đi xe ít ra cũng phải là một "con Mẹc" - như hạ giới vẫn nói - như thế không phải là nhầm chỗ sao? Tôi cảnh cáo anh: anh định dùng khổ nhục kế hay là khai man tài sản?
BC: Ngài lại quá lời rồi! Tôi sống chân thành, trung thực. Đối với tôi, nhà và xe như thế đã là quá tốt! vì nó là mồ hôi nước mắt, là sự  tích cóp của cả gia đình, ba bề bốn bên mới có. Thực sự do bàn tay, khối óc chúng tôi làm ra, chứ đâu có xây và mua bằng...phong bì!
NT: Thôi! thôi! đừng nói đến cái "nền kinh tế phong bì" của các anh nữa! phức tạp lắm! tôi ngán đến tận cổ rồi!...À, mà hôm nay gặp người như anh cũng hay, tôi đỡ phải tìm cách từ chối nhận phong bì. Có kẻ trắng trợn lắm! nó dám mặc cả với tôi là, cứ mỗi năm cho nó sống thêm, nó biếu tôi hai trăm nghìn Ơ Rô!
BC: Hoá ra ngài cũng phải chịu sức ép nhỉ!
NT: Tại sao anh luôn luôn bất tuân thượng lệnh?
BC: Xin ngài nói rõ hơn?
NT: Núp dưới hai từ "phản biện" mỹ miều anh không tuân theo chủ trương kỹ thuật của cấp trên!
BC: Tôi không bao giờ chống lại những chủ trương kỹ thuật đúng đắn của cấp trên, tôi chỉ làm theo những yêu cầu kỹ thuật vốn rất khắt khe đòi hỏi. Tôi không thể bỏ qua những sai sót hoặc những gì thiếu chính xác.
NT: Nhưng sao anh lại cứ cứng nhắc thế? Uyển chuyển một chút vừa được lòng cấp trên vừa được việc có phải tốt hơn không?
BC: Có thể về phương pháp làm việc tôi phải rút kinh nghiệm, nhưng tôi không thể uyển chuyển trong kỹ thuật, không thể làm vừa lòng cấp trên bằng những sai sót kỹ thuật, vì sai một ly đi một dặm, lãng phí công sức tiền bạc của dân, có khi cả tính mạng con người, thí dụ như vụ sập cầu dẫn cầu Cần Thơ...
NT: Anh nhắc đến làm tôi đau lắm! Đau vì một lúc mất đi hơn năm chục mạng người, đau vì người ta bảo tôi tàn nhẫn, gạch không thương tiếc tên bao nhiêu con người! Nhưng những người đó tự gạch tên mình đấy chứ! Tôi có gạch tên ai đâu! Không tin, sổ đây mời anh xem!...
BC: Tôi cũng đau xót lắm! Chắc ngài cũng đã đọc bài thơ "Chia sẻ thương đau" tôi đăng trên blog khi nghe tin vụ sập cầu. Tôi đã viết:

Hiểm họa từ đâu ập xuống đời
Lòng tôi muối xát, Cần Thơ ơi!
Cầu mong người chết hồn siêu thoát
Những vết thương đau sớm phục hồi.

Tôi muốn hỏi xem thảm họa này
Thuộc về trách nhiệm của ai đây?
Quan cứ quan liêu ngồi hội họp
Dân lành sống chết cứ mặc bay.

P.B.C.
... ...
NT: Anh không phải là người ngậm miệng ăn tiền, nhưng sao trước những tiêu cực ở xung quanh anh, anh không dám đấu tranh?
BC: Người ta bảo đấu tranh, tránh đâu! Tôi chỉ nhẹ nhàng dùng ngòi bút cảnh tỉnh xã hội.
NT: Đấy! rõ ràng anh không có dũng khí!
BC: Nhưng tôi không thể giơ ngực trước làn đạn, vả lại tôi chỉ là hạt cát!
NT: Không có người lấy thân mình lấp lỗ châu mai, lấy thân mình chèn pháo, lấy thân mình làm giá súng phỏng có thắng lợi không? Không có những hạt cát phỏng có bãi biển không?
BC: Nhưng...
NT: Nhưng cũng phải công nhận anh có cốt cách của một sĩ phu yêu nước, ít ra trong tư duy, anh không chấp nhận thực tại, muốn có một sự thay đổi tốt đẹp hơn: "Ngày mai trời lại sáng". Tôi đã đọc bài thơ này và bài thơ "Viếng mộ cụ Huỳnh" của anh nên hiểu anh hơn, nhưng anh còn rụt rè lắm! còn bảo mạng lắm!
BC: Thưa...đó là những vấn đề nhạy cảm!
NT: Lại nhạy cảm! trí thức các anh có đặc điểm chung là hay im lặng, động đến thì lại nói "vấn đề nhạy cảm" để lảng tránh, như con ốc chui vào vỏ!
BC: Làm sao được! chúng tôi phải tự bảo vệ mình!
NT: Tóm lại, anh có một số thiếu sót, một số lỗi lầm nhưng chưa cấu thành tội phạm, nên miễn truy cứu. Anh tự vấn lương tâm mà sửa!
BC: Thế mà tôi bị qui chụp...
NT: Đó lại là sai sót của chúng tôi, cũng do một số người thực thi nhiệm vụ chưa đủ trình độ...
BC: Nhưng họ cũng học hành, đỗ đạt đàng hoàng kia mà?
NT: Họ có học thật hay không, bằng cấp có thật hay rởm? chúng tôi còn phải kiểm tra lại!
BC: Tôi tưởng chỉ có dưới hạ giới...
NT: Tôi biết các anh thường hay nói "Trần sao, Âm vậy!". Thấy anh là người kín đáo tôi nói riêng với anh điều này: "Trần sao...Thiên vậy!"
BC: Ồ...!
NT: Phần tôi sửa sai bằng cách mời anh về hạ giới sống thêm vài giáp nữa!
BC: Thưa ngài, thế có nhiều quá không? còn những người khác?...
NT: Ngay cả sự sống mà anh còn nghĩ cho người khác, tôi cảm phục đấy! Tiên đồng đâu!
Một Tiên đồng mặc bộ áo màu xanh biếc bước ra từ đám mây hồng, hai tay bê một chiếc hộp nhỏ rất đẹp, trên viết chữ nho bằng nhũ vàng lóng lánh.
NT: Đây là 3 viên Linh Đan do Thái Thượng Lão Quân luyện trong lò Bát Quái đã một trăm năm nay, có tác dụng cải tử hoàn sinh, cải lão hoàn đồng anh hãy dùng ngay!
BC: Cảm ơn ngài! lên tới chốn này không mất gì mà lại còn được quà đặc biệt, quả là tôi không tưởng tượng nổi! có lẽ không phải ngày mai mà hôm nay trời sáng rồi!
NT: Để hài hoà, anh cứ về sống tạm một giáp nữa rồi tính sau! Cố gắng dịch thêm nhiều tác phẩm văn học Nga và làm nhiều thơ. Tôi nghe nói nhà anh là nơi sinh hoạt của Câu lạc bộ "Bạn và Thơ" phải không? Lúc nào rỗi tôi xuống học thêm ít thơ mới, tôi chỉ thạo Đường luật...
BC: Vâng! rất hân hạnh, thưa ngài!
NT: Còn các đề tài nghiên cứu khoa học về Cảng, anh tập trung hoàn thành càng sớm càng tốt, hiện Ngọc Hoàng đang rất phiền lòng về tình hình xây dựng Cảng bừa bãi dọc sông Ngân Hà. Thượng Đế đang muốn có một qui hoạch tổng thể chặt chẽ, hợp lý các cụm Cảng để xem xét có nên đầu tư xây thêm Cảng mới nữa hay không.
BC: Thưa... tôi đang tích cực hoàn thành
NT: Tôi cũng nói riêng để anh biết Ngọc Hoàng Thượng Đế để ý đến anh đấy! Thôi! cứ như thế! anh về nhé!
Nam Tào vỗ mạnh vào vai Bạch Châu cười vang, Bạch Châu choàng tỉnh, mở mắt ra nhìn. Hai gương mặt đầu tiên Bạch Châu nhìn thấy đó là người vợ hiền yêu quí và cô con gái rượu Hồng Anh...
Cả hai người cùng reo to:- Ba tỉnh rồi! gớm! hết cả hồn!Sau đó một tháng "Mùa lá rụng" được xuất bản, một tháng nữa là "Một chuyện tình", hai tháng tiếp theo là "Cơn mưa"...
Không hiểu sẽ còn bao nhiêu đứa con tinh thần nữa của Bạch Châu sẽ ra đời sau cuộc gặp bất đắc dĩ với Nam Tào? 


( Đã đăng Tháng 5-2008 )

L.T.H