Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

CÓ MỘT BÀI THƠ TRẤN THỦ LƯU ĐỒN KHÁC ! Lê Đình Lai


               Nhà thơ Lê Đình Lai


CÓ MỘT BÀI THƠ TRẤN THỦ LƯU ĐỒN KHÁC !
PHẢI CHĂNG ĐÃ TÌM ĐƯỢC NGUỒN GỐC, XUẤT XỨ
VÀ TÁC GIẢ BÀI THƠ “ TRẤN THỦ LƯU ĐỒN” ?



Có lẽ rất nhiều thế hệ người Việt Nam-nhất là những người từ lứa tuổi 60-70 trở lên-đã rất quen và nhớ bài thơ Trấn Thủ Lưu Đồn, bài thơ được cho là khuyết danh, không rõ xuất xứ, thời gian xuất hiện, nói về thân phận, về cuộc sống cực nhọc, buồn chán của người lính thú khi lên trấn thủ ở miền biên viễn xa xôi với nhiệm kỳ 3 năm:
Ba năm trấn thủ lưu đồn / Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan / Chém tre đẵn gỗ trên ngàn /Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai /Miệng ăn măng trúc, măng mai / Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng / Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng. ( Từ nay về sau xin gọi bản này là bản A ).
Giữa năm 2010, trong một chuyến điền dã về thôn Lưu Đồn, xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, tôi phát hiện ở đình làng (đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Nhà nước. Quyết định số 1214/ QĐ ngày 30/ 10/ 1990 do Bộ trưởng Trần Hoàn ký), có một tấm bia đá lớn, được một “cụ Rùa” đắp bằng xi măng, cõng trên lưng, đặt ở bên trái sân đình có khắc một bài thơ bằng chữ Nho (chữ Hán).
Một cụ già trong thôn đọc cho tôi ghi. Bài thơ được phiên âm như sau :
Tam thập niên trấn thủ Lưu Đồn (cụ còn nhắc Lưu Đồn phải viết hoa) / Nhật tuần điếm, dạ hành sự quan / Trảm trúc, cứ mộc thượng lâm / Hữu thân, hữu khổ bình đàm đồng ai / Khẩu thực duẩn trúc, duẩn mai / Chư mai, chư trúc dĩ ai hữu bằng / Thuỷ tỉnh trạm ngư đắc cung thân thượng hạ hoành.
Bài dịch ra chữ Quốc ngữ, khắc ở phía dưói, bên phải tấm bia là :Ba mươi năm trấn thủ Lưu Đồn / Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan / Chém tre đẵn gỗ trên ngàn / Có thân có khổ nói bàn cùng ai / Miệng ăn măng trúc, măng mai / Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng / Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng. ( Từ nay về sau xin gọi bản này là bản B)
So sánh ba bài thơ trên ( bản A, bài chữ Hán phiên âm, và bản B), ta có thể rút ra những nhận xét sau :
Về thể loại:Bản A và bản B cơ bản là thể lục bát . Hai câu cuối cùng là hai câu tám. Đây là sự thất luật cố ý, trong phạm vi cho phép có thể chấp nhận được. Riêng câu đầu của bản A là sáu chữ ( Ba năm trấn thủ lưu đồn), trong khi đó câu đầu của bản B là bảy chữ ( Ba mươi năm trấn thủ Lưu Đồn) . Bản chữ Hán nguyên văn và được phiên âm ra chữ quốc ngữ thì không rõ thể loại. Không hẳn là song thất lục bát, không hẳn là lục bát và câu cuối lại có đến mười chữ.Về nội dung:Bản A và bản B cơ bản là giống nhau. Sự khác nhau ở câu thứ tư chỉ là cách dùng từ khi dịch từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ. Coi như giống nhau, có thể chấp nhận được. Sự khác nhau duy nhất nhưng lại là lớn nhất, cơ bản nhất là ở câu thứ nhất : bản A: Ba năm trấn thủ lưu đồn, bản B : Ba mươi năm trấn thủ Lưu Đồn . chữ lưu đồn ở bản A là động từ, Chữ Lưu Đồn ở bản B là danh từ riêng chỉ địa danh.Về tác giả và nguồn gốc xuất xứ:
Bản A từ trước đến bây giờ được cho là khuyết danh, không rõ tác giả và không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Còn bản nguyên văn chữ Hán, qua tìm hiểu ở địa phương ( nơi có đặt tấm bia) chúng tôi được biết bản này được chép nguyên văn từ trong Thần phả của làng có tên là
Thần phả ký Lưu Đồn.

                  Thần Phả Ký Lưu Đồn

     Một trang trong Thần Phả Ký Lưu Đồn

Người khởi ghi Thần phả ký Lưu Đồn là Tướng quân Nguyễn Phúc Hiền ( Sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ ba ông đươc cử làm Phó sứ trong đoàn sứ bộ đi giao hòa với nhà Nguyên và sau này ông được phong đến Quốc Sư), là một vị quan văn võ toàn tài . Ông bắt đầu viết Thần phả từ năm 1258 khi ông cùng cha và một số vị quan khác phụng mệnh triều đình về xây dựng một căn cứ bí mật ở ấp Vạn An(* ) làm nơi thủ hiểm, đề phòng mọi cơ sự có thể xảy ra. Từ đó ấp Vạn An được đổi tên thành Lưu Đồn
Khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288) xảy ra, ông được giao nhiệm vụ chỉ huy đội Long binh, Hổ binh coi bốn tiền đồn bảo vệ căn cứ Lưu Đồn, đảm bảo an ninh cho triều đình và bộ máy chỉ đạo kháng chiến chống quân Nguyên.
Như thế là, Nguyễn Phúc Hiền là một trong những vị quan chỉ huy xây dựng và ở căn cứ Lưu Đồn từ sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất đến hết cuộc kháng chiến lần thứ ba (1258 – 1288) Tròn ba mươi năm. Phải chăng vì thế mà ông mở đầu bài thơ bằng câu Ba mươi năm trấn thủ Lưu Đồn?
Chúng tôi nghĩ đây là lời tự bạch của ông! Bằng hình tượng văn học, ông đã lồng cuộc đời “Trấn thủ Lưu Đồn” của ông và những binh lính dưới quyền vào việc tổng kết một giai đoạn gian nan, vất vả nhưng rất hào hùng của dân tộc: giai đoạn chống quân xâm lược Nguyên Mông . Ông đã không nhìn thắng lợi của cuộc chiến theo chiều thuận bề ngoài, mà ông nhìn sâu vào cuộc chiến với những nỗi gian nan vất vả của toàn dân và cái khó của riêng ông với cương vị là người chỉ huy, nhận trọng trách trước Vua và triều đình….
Ba mươi năm trấn thủ Lưu Đồn được ghi chép trong Thần phả ký Lưu Đồn, người viết Thần phả là Tướng quân Nguyễn Phúc Hiền. Theo Thần phả, bài thơ đã được khắc vào đá để ở đình làng từ xa xưa (Thạch biển tại đình Lưu Đồn). Đã từng là niềm tự hào của thôn dân bao đời. Do những biến động của lịch sử, tấm bia cũ đã bị tàn phá, mai một. Tấm bia hiện đặt ở sân đình bây giờ là bia mới được phục dựng, tân tạo năm Đinh Sửu 1997 do Nguyễn Duy Thếp – một con dân của làng – cung tiến.Do đó thiết nghĩ rằng, về tác giả của bản này không còn gì phải bàn.
Vấn đề đặt ra :
Một là: Trong hai bản ấy, một bản là khuyết danh, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thời điểm xuất hiện. Một bản có nguồn gốc xuất xứ, thời điểm ra đời, có tên tác giả .Vậy bản nào là bản chính, bản nào là dị bản.? Bản nào có trước, bản nào có sau ?Hai là: Tại sao bản A và bản dịch từ nguyên văn chữ Hán ra (bản B) lại giống nhau đến thế , chỉ khác nhau Ba năm … và Ba mươi năm…
Ba là: Con em nhân dân Lưu Đồn có rất nhiều người học hành, đỗ đạt cao, chắc họ cũng được học về bài “Ba năm trấn thủ lưu đồn” nhưng tại sao không ai tranh luận, hé lộ gì về bài thơ được lưu truyền trong làng, trong xã mình cả.
Nếu bài ” Trấn thủ Lưu Đồn “ (bản B) của Nguyên Phúc Hiền là bản tổng kết ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông bằng hình tượng văn học thì ta cần phải có cách nhìn khác, cách hiểu khác, cách lý giải khác cho nội dung bài thơ chứ không thể giữ cách nhìn, cách hiểu, cách lý giải vốn có như đối với bài Trấn thủ lưu đồn (bản A khuyết danh ) về thân phận anh lính thú được. Việc này xin nhường lại các nhà giáo, các nhà bình giảng, nghiên cứu văn học.
Nghiên cứu Lịch sử và Văn học sử vốn không phải là chuyên ngành của kẻ viết bài này, nên không có đủ kiến thức và phương pháp luận để lý giải, nhiều khi còn sa đà vào cảm tính, ngộ nhận. Những điều trình bày trên, nếu có gì sa đà, sai sót xin được miễn chấp
Xin nêu vấn đề để rộng đường dư luận. Rất mong có được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc và các nhà nghiên cứu để bài thơ không còn bị coi là khuyết danh, không còn là bài thơ nói về thân phận buồn thảm, vất vả của người lính thú.
Cần trả lại vị trí xứng đáng cho một bài thơ ra đời vào một trong những thời kỳ hào hùng nhất của dân tộc : Thời kỳ hào khí Đông A!
Kẻ viết bài này xin sẵn sàng trao đổi, chia xẻ thông tin với Quý bạn đọc.

Hà  Nội - Xuân Tân Mão – 21/2/2011

(*) Thuộc Phủ Thiên Trường 
 
LÊ ĐÌNH LAI
TRUNG TÂM VĂN HÓA NGƯỜI CAO TUỔI VN
DĐ : 0167 434 6266 – 0984 085 297

PHẢI CHĂNG ĐÃ TÌM ĐƯỢC NGUỒN GÔC, XUẤT XỨ