Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

HOÀNG HÙNG-NHÀ BÁO LONG AN. Thơ. Lê Trường Hưởng

TT- – TTO - Khoảng 14g ngày 29-1 (26 tháng Chạp), nhà báo Lê Hoàng Hùng (bút danh Hoàng Hùng, báo Người Lao Động TP.HCM) đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau 10 ngày bị nạn và điều trị tại đây.


Nhà báo bị đốt khi đang ngủ: Lê Hoàng Hùng đã ra đi
Nhà báo bị phóng hỏa đã qua đời

Nhà riêng nơi nhà báo Hoàng Hùng bị đốt

Hoàng Hùng-nhà báo Long An
Đang say giấc ngủ, kẻ gian lẻn vào
Phóng hoả đốt, tàn bạo sao!
Vợ con cũng chẳng thể nào cứu anh
Lửa thiêu, bỏng nặng khắp mình
Mười ngày, Bệnh Viện thôi đành bó tay
Vì sao cơ sự thế này?
Bọn xấu hãm hại, thấy ngay được rồi!
Thông thường lẽ sống trên đời

Đối lập cái xấu chỉ người tốt thôi
Anh có tâm, đức sáng ngời
Vượt qua cám dỗ, mọi lời yêu ma
Dũng cảm, ngay thẳng, thật thà
Đấu tranh kiên quyết mới ra thế này

Không “mua” được chúng xuống tay
Xoá xổ nhân chứng đi ngay kịp thời
(Mới là một phỏng đoán thôi)

Nhưng điều tin tưởng: Anh-người chính nhân
Mới sang năm mốt(51) tuổi Xuân

Ra đi quá sớm, mười phần tiếc thương
Kính viếng Anh một nén hương
Bao người chân chính tiếp đường Anh đi.

L.T.H.

Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

THUÊ ĐÀO. Thơ. Lê Trường Hưởng

 

Người ta thuê Đào về chơi ngày Têt
Sáu, bảy mươi chục triệu đã bỏ ra!
Nhưng vẫn không bằng được các Đại gia
Mười nghìn “Đô” chỉ để…thuê cây cảnh
Ôi những đồng Mỹ kim ảo huyền, lóng lánh
Lại chỉ như lá rụng, cánh hoa rơi
Nghe tin mà sao đờ đẫn, ngây người
Họ đã quá giầu, ngoài sức ta tưởng tượng
Vài ngày Tết, để ăn chơi cho sướng
Họ vung tiền như ném rác ra đường
Cảnh ngộ người nghèo sao thấy thảm thương
Kiếm bới từng đồng lo cho con cơm đủ
Tết đến, Xuân vê bộn bề bao nhiêu thứ
Thu vén về quê sum họp gia đình
Vùng sâu, núi cao, con trẻ thật tội tình
Rét cắt ruột gan không áo quần đủ ấm
Lẫm chẫm đến trường-lều chợ chăng? giống lắm!
Nhận con chữ run run trong giá lạnh tê người
Bao kẻ lang thang cơ nhỡ ngoài trời
Tìm đâu được nơi ấm êm trú ngụ?
Hỡi những người giầu, những bà hoàng, ông chủ
Hãy một chút thôi, giúp đỡ người nghèo
Đâu đã cần quí vị bớt chi tiêu
Chỉ giảm bớt đà vung tay quá mạnh
Người nghèo sẽ bớt được một cơn gió lạnh
Tâm Phật từ bi bác ái để đâu rồi?

L.T.H.

                      Trường học hay là...lều chợ đây?

                 Bé thơ mà phải lẫm chẫm tự mình đến "Trường"

                              Cô, trò vừa học vừa run trong giá rét

                         Bé lang thang đang ăn gì?

     "Khách sạn nhiều sao" của những người cơ nhỡ

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

TẮC MẶC BAY! Thơ. Lê Trường Hưởng

Lâu nay, trên nhiều đường phố ở Hà Nội, có chung hình ảnh rất phản cảm: đó là lực lượng Dân Phòng chỉ chăm chăm rình bắt những người đi xe máy không đội hoặc không cài quai mũ, chở ba người...Thoáng thấy vi phạm, họ ào ào xông ra co kéo, đôi khi làm người cầm lái hoặc người ngồi sau bị ngã rất nguy hiểm. Họ là ai, tuyển chọn thế nào, mà nhiều người mặt mũi bặm trợn, nói năng, ứng xử rất thiếu văn hoá. Điều đáng nói là họ chỉ tập trung vây bắt người vi phạm. Giao thông ùn tắc không thấy bóng Dân Phòng hoặc có, họ cũng làm ngơ! Tất nhiên không thể nguỵ biện cho những ai vi phạm qui định về Giao thông; Nhưng nhân dân Hà Nội cũng không thể chấp nhận hành vi của những người được gọi là "Dân Phòng" này!

Hùng hổ xông ra chặn trước ngay
Dùi cui một khúc nắm trong tay


Ngoài đường vài chị trơ không mũ
Trên phố dăm anh bỏ thắt dây
Vi phạm nhỏ nhoi, nhưng kiếm được!

Lỗi lầm chẳng đáng vẫn tìm xoay

Giao thông kẹt cứng đường thây kệ!
Bỏ túi cho nhiều, tắc mặc bay!
L.T.H.



TẮC MẶC BAY!

Hùng hổ xông ra chặn trước ngay
Dùi cui một khúc nắm trong tay
Ngoài đường vài chị trơ không mũ
Trên phố dăm anh bỏ thắt dây
Vi phạm nhỏ nhoi, nhưng kiếm được!
Lỗi lầm chẳng đáng vẫn tìm xoay
Giao thông kẹt cứng đường thây kệ!
Bỏ túi cho nhiều, tắc mặc bay!

L.T.H.

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

XUÂN VUI. Thơ. Lê Trường Hưởng



 
Đông qua xào xạc bến sông Thương
Nắng ấm vàng ươm trải khắp vườn
Lộc nhú chồi non hoa nở rộ
Cành vươn trái chín quả đưa hương
Trời xanh bát ngát màu mây mới
Sóng biếc mênh mông sắc nước vương
Vạn vật, cỏ cây bừng thức dậy
Xuân vui réo rắt khúc Nghê Thường
 

L.T.H.



Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

CẤP CỨU CỤ RÙA! Thơ. Lê Trường Hưởng


                                  Cụ Rùa bị thương nặng 

CẤP CỨU CỤ RÙA!


Cụ nổi, chậm chạp bơi đi
Khắp thân, những dấu vết gì còn vương?


- Giáo sư A: Cụ đã bị thương!

- Giáo sư B: chuyện vặt, lẽ thường tự nhiên

- Khoa Học A: phải đưa lên

trên bờ chữa trị mới liền vết thương

- Khoa Học B: chớ coi thường!

không được tách khỏi môi trường tự nhiên

chẳng thích nghi, Cụ chết liền!

diệt Rùa tai đỏ đầu tiên phải làm

- Giám đốc A: cũng đã bàn

phương pháp giản dị, hoàn toàn thủ công!

- Giám đốc B lắc đầu: không!

kỹ thuật hiện đại mới xong việc này!

- Người dân A: hãy xem đây

Lưỡi chùm, câu trộm ngoắc ngay mai rồi!

- Người dân B: Ống kia thôi!

cản trở mất cả đường bơi cụ Rùa

Cụ...gặm mãi chẳng ăn thua

lại bị rách miệng te tua ra rồi!

- Công An: câu trộm vài người

đã rõ danh tính kịp thời sổ đen

- Nhà Báo: kìa có một tên!
mà nhà quản lí lại liền ngay đây!

nhìn quá rõ giữa ban ngày

Công An, Quản lí việc này bỏ qua?

Rùa tai đỏ phóng sinh ra

ai cũng trông thấy thế mà làm ngơ?

- Quản lí: cũng thật không ngờ

kiến thức sinh học i tờ biết đâu

- Môi Trường A: chờ duyệt sau

- Môi Trường B: chuyển  lên mau Tháp Rùa!


Cứ bàn cứ cãi dây dưa

Cụ bị thương nặng mà chưa làm gì

Cấp cứu Cụ Rùa mau đi!

Nước sôi lửa bỏng còn chi mà bàn?

Cụ là báu vật nhân gian

Hùng thiêng Dân Tộc ngập tràn nơi đây

Cấp cứu Cụ Rùa! làm ngay!

Nhanh lên! mau chóng ra tay! chậm rồi!



L.T.H.
Người dân có mặt chứng kiến tại đó cho hay, cụ nổi được gần hai giờ đồng hồ.
                     Rùa tai đỏ gặm mai Cụ Rùa

Lưỡi câu chùm của bạn câu trộm làm Cụ Rùa bị thương nhiều lần

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

CỤ RÙA BỊ THƯƠNG!. Thơ. Lê Trường Hưởng

TT - Sau khi xem xét những tấm ảnh chụp cụ rùa hồ Gươm nổi trưa 30-12 cho thấy tại nhiều vị trí trên mai cụ rùa xuất hiện những vết thương bị loét sâu, ngày 31-12 GS Hà Đình Đức - người nhiều năm nghiên cứu về rùa hồ Gươm - khẳng định đó là những vết thương rất mới.

Ảnh chụp cụ rùa hồ Gươm nổi trưa 30-12 cho thấy cụ rùa bị thương ở nhiều vị trí - Ảnh: VNExpress


GS Đức cho biết cách đây vài năm, khi cụ rùa xuất hiện đã có một lần bị thương tại vùng cổ, vết thương giống như một vết rạch. Tuy nhiên, vết thương này trong những lần xuất hiện gần đây đã không còn. Với những tấm ảnh mới nhất về cụ rùa, GS Đức cho rằng: “Các vết thương trên mai cụ rùa, đặc biệt là vết thương tại vị trí cổ là cơ sở khá rõ ràng để khẳng định cụ rùa đang bị thương nặng”.
XUÂN LONG 
        
Vết thương ở cổ Cụ khá nặng

CỤ RÙA BỊ THƯƠNG!


Năm trăm năm dưới đáy hồ
Cụ muốn ở ẩn nào ngờ không yên
Nổi lên, nổi xuống liên miên
Cụ muốn cảnh báo chuyện phiền cho ta?
Tục phóng sinh thật phiền hà
Bao Rùa tai đỏ thả ra nơi này
Bọn quỉ hỗn với Cụ ngay
Chúng đeo bám Cụ ngự đầy trên lưng
Gặm mai, mọi chỗ lung tung
Miệng bị sây sát, cổ từng bị thương
Ống ngầm ai bắc chắn đường
Cụ nổi giận lại chán chường…gặm luôn
Thương thay Cụ rách cả mồm!
Chắc Cụ đau đớn, nổi luôn nhiều lần
Diệt Rùa tai đỏ rất cần
Các vết thương Cụ mười phần hiểm nguy
Thành Phố biết phải làm gì
Tiến hành khẩn cấp ngay đi cho rồi
Cụ là báu vật đất trời
Cụ về cõi Phật ai người trao Gươm?

L.T.H.
Người dân có mặt chứng kiến tại đó cho hay, cụ nổi được gần hai giờ đồng hồ.
                                Rùa tai đỏ "ngự" trên lưng Cụ Rùa

                                 Và nhiều vết thương khác



           Vết thương ở miệng do Cụ...gặm ống ngầm

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

LỜI TÂM HUYẾT VỀ ĐẢNG. Thơ. Lê Trường Hưởng

Thiếu nhi Hà Nội tặng hoa chúc mừng các đồng chí lãnh đạo trong phiên khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI - Ảnh: XUÂN TUÂN

LỜI TÂM HUYẾT VỀ ĐẢNG

Tám mươi năm Thực Dân đô hộ
Đất nước ta cực khổ lầm than
Kiếp người nô lệ trái oan
Đói ăn, thiếu mặc, cơ hàn, đau thương

Bác Hồ đã tìm đường cứu nước
Sáng lập ra Đảng được dân yêu
Dân hiến xương máu bao nhiêu
Theo ngọn cờ Đảng đạt điều ước mong

Dành độc lập, non sông chia cắt
Hai miền xa đau thắt ruột gan
Hai lần kháng chiến gian nan
Đến khi thống nhất hoàn toàn về ta

Sử non sông mở ra trang mới
Theo cờ hồng phơi phới chung tay
Đồng lòng xây nước non này
Mười lần to đẹp hơn ngày đã qua

Khắp đất nước chan hoà hạnh phúc
Sống ấm no, sung túc đến dần
Khắp nơi, khắp chốn xa gần
Cuộc đời thấy đã nhiều phần đổi thay

Nhưng rồi quá mê say thành tích
Nghe một chiều, chỉ thích ngợi ca
Những lời chân thật đưa ra
Ý dân đề đạt cho là trái ngang...

Nhiều Đảng viên ngày càng xa cách
Gương thanh liêm, trong sạch mờ dần
Cậy quyền sách nhiễu người dân
Tham nhũng, vơ vét chẳng cần đến ai

Tiền của dân tiêu sài hoang phí
Sống bê tha, thoả chí ăn chơi
Nhà to, của cải, xe hơi
Chỉ lương thì cả một đời còn…mơ!

Việc nước làm phất phơ qua chuyện
Dân oan sai khiếu kiện phớt lờ
Thất thoát tiền của thật to
Quản lý yếu kém đổ cho tại trời

Gương Tiền bối sáng ngời oanh liệt
Ở dân ra, sống chết vì dân
Ba cùng hoà nhịp thật gần
Vui sau thiên hạ, nhận phần trước lo

Tính chiến đấu bây giờ đã giảm?
Đồng chí sai chẳng dám phê bình
Có lỗi đổ tại loanh quanh
Phản đối: phiền phức, tán thành cho...êm

Tính đấu tranh đi liền tính Đảng
Phải làm sao xứng đáng ngọn cờ
Lòng dân vẫn đợi vẫn chờ
Mong Đảng chỉnh đốn từng giờ đổi thay

Dân tin Đảng điều này thật quí
Phải giữ gìn từng tí từng ly
Lòng tin khi đã mất đi
Thì sẽ mất tất còn gì nữa đâu!

Vì dân, do dân, câu phải nhớ
Bác thường xuyên nhắc nhở đừng quên
Mấy lời tâm huyết viết lên
Mong búa liềm mãi vững bền bay cao

L.T.H.


Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang đọc báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành trung ương Đảng tại Đại hội XI - Ảnh: Việt Dũng

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

BẢO MẪU HẦU TOÀ. Thơ. Lê Trường Hưởng

TT- – TTO - Sáng 7-1, Tòa án nhân dân huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương đã tiến hành xét xử lưu động vụ bảo mẫu Trần Thị Phụng “tắm đòn”  bé gái Hồ Thị Thuý Ngân  3 tuổi.
Bị cáo Trần Thị Phụng tỏ ra hối lỗi trước tòa - Ảnh: Anh Thoa


                       Cháu Hồ Thị Thuý Ngân 3 tuổi - Ảnh: Anh Thoa

Trần Thị Phụng ra hầu toà
Bản án trừng phạt cũng là đúng thôi
Chịu hai bốn(24) tháng tù ngồi
Nóng nẩy quên mất tình người, giận thay!

Bé Ngân ba tuổi thơ ngây
“Tắm đòn” mỗi trận hàng ngày thật thương!
Ba mẹ lăn lộn đời thường
Quay cuồng cuộc sống tìm đường mưu sinh
Gửi người giữ hộ con mình
Tưởng đâu họ cũng tận tình chăm nom…

Cũng là để kiếm miếng cơm
Đầu tắt mặt tối sớm hôm sướng gì
Mà tình người mẹ quên đi
Hành hạ cháu thế còn chi tính người!
Hối hận thì đã muộn rồi
( Gia đình cháu đã có lời xin cho )

Chồng bị bại liệt phải lo
Còn con cái nữa bây giờ làm sao?
Hoàn cảnh đáng thương biết bao!
Trụ cột mà lại phải vào trại giam

Có tội đã biết ăn năn
Bà con lối xóm cũng cần cảm thông
Làm sao giúp đỡ người chồng
Để vợ cải tạo còn mong ngày về
Gia đình đâu được đề huề
Cái nghèo, cái khổ làm mê mụ người?
Gửi Trần Thị Phụng vài lời
Giá trả quá đắt, phải ngồi nghĩ suy
Gắng mà sửa lỗi mau đi
Sẽ được đặc xá một khi tốt rồi!

L.T.H.



                                       Giải bị cáo về tù giam


 
    Hàng trăm người dân đã theo dõi phiên tòa lưu động đồng tình với mức án

KÍNH BÁO! Lê Truờng Hưởng

 

KÍNH BÁO!

Vừa qua, tôi đã gặp vài hiện tượng lạ xin kính báo để quí vị biết:
1 – Phiêu Vân_Thu Lãng Du vào Blog của tôi có để lại comment mang tên Nguyên Hùng ( ở bài viết Câu lạc bộ Bạn&Thơ đón Thái Anh ). Do bận phải đi công chuyện, tôi chưa kịp trả lời ( cùng với nhiều comment khác ). Lúc về, mở máy ra thì không thấy comment của Phiêu Vân đâu nữa! ai đó đã gỡ bỏ hoặc xoá đi?( Đây là lần thứ hai có hiện tượng này đối với comment của Phiêu Vân ).

2 – Tôi vào trang của bác Hồ Văn Thiện hoạ bài thơ “Tân Mão”. Bài hoạ của tôi có nhan đề “Vẫn cảnh nghèo”, chỉ duy nhất một bài với một comment; Nhưng khi quay trở lại, tôi thấy xuất hiện comment thứ hai, vẫn bài trên nhưng ai đó đã sửa đi, mang tên tôi và tất nhiên, đường dẫn đến trang của tôi!

Hiện tại thì ai đó chưa gây tổn hại gì cho tôi, nhưng với một trình độ Tin Học cao ngang với…Hacker như thế, có thể muốn làm gì thì làm!

Bởi vậy, tôi xin lưu ý quí vị, nếu ở Trang của quí vị có comment mang tên tôi mà lời lẽ không được hay ho, hoặc quí vị có nghi ngờ gì đó, làm ơn trao đổi trực tiếp với tôi qua:
- Điện thoại- 0912038634
- Hoặc Email
           letruonghuong@gmail.com
Để nhanh chóng làm rõ vấn đề, tránh sự hiểu lầm đáng tiếc.
Tôi có thể khẳng định, và xin quí vị hãy tin rằng, tôi là người đàng hoàng, được dậy dỗ, học hành tử tế, nay cũng thuộc vào hàng “có tuổi” không làm bất cứ điều gì phương hại đến tư cách của mình, và nhất là cốt cách của một “Người Hà Nội xưa” mà tôi rất đỗi tự hào và nguyện gìn giữ suốt đời.
Xin gửi tới quí vị lời chào kính trọng và xin được cảm ơn trước!

Lê Trường Hưởng

 

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

HÀ NỘI RÉT. Thơ. Lê Trường Hưởng

( Ảnh trang này có nguồn từ Yahoo.com ) 

HÀ NỘI RÉT

Khí lạnh phương Bắc tràn về
Để Hà Nội rét tái tê khác thường 
1.  KHU VỰC QUANH QUẢNG TRƯỜNG ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC - HỒ GƯƠM
Đông Kinh Nghĩa Thục quảng trường
Mười giờ đêm chẳng còn vương bóng người

Thanh niên đang tuổi ăn chơi
Chẳng còn hứng thú dưới trời rét căm

Người vô gia cư âm thầm
Tìm nơi trú ngụ đã nằm ở đây
Ồn ào tấp nập ban ngày
Ngân hàng, quán xá…quanh đầy Hồ Gươm
2. TẠI KHU VỰC CHỢ ĐÊM ĐỒNG XUÂN
Trai thanh gái lịch đêm hôm
Chợ Đồng Xuân mở chẳng còn đến đây
Ngắm gì rét mướt thế này
Hàng Khoai- Ngô, Sắn ế dài, vắng teo
3. TẠI KHU VỰC CHỢ TRÁI CÂY LONG BIÊN
Long Biên mua bán lèo tèo
Ông chủ tránh rét phải đèo chăn bông
Xe ôm trông thảm thương không
Đốt lửa sưỏi ấm, khách không một người

Ông già bán nước ngủ rồi
Chợ không họp nữa thì thôi bán gì?
4. TẠI KHU VỰC GA XE LỬA HÀNG CỎ

Ga Hàng Cỏ tầu vẫn đi
Chỉ còn mấy chiếc Tắc Xi nằm dài
Bà bán nước cứ ngáp hoài
Rét như cắt ruột chẳng ai vào ngồi

Tỉnh xa lỡ bước vài người
Đành lòng mắc võng giữa trời nằm...run

Hàng rong rét, giở bài…cùn
Hiên Trần Quí Cáp chọn luôn làm nhà

Quán ăn sang trọng phía xa
Chỉ có bảo vệ thức mà trông coi

Người nghèo thì khổ quá rồi
Ghế đá Lê Trực là nơi đi về

Rét sao rét gớm rét ghê
Đêm Đông dài cứ lê thê thế này
Mong sao cho đến ban ngày
Bộ mặt Hà Nội đổi thay khác nhiều
Độ lạnh còn xuống bao nhiêu?
Để cho thành phố liêu xiêu vắng, buồn

L.T.H.

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

CÂU LẠC BỘ BẠN&THƠ ĐÓN THÁI ANH. Ký. Lê Trường Hưởng

 
                             Nguyễn Như Tước - Thái Anh

         Trịnh Anh Vinh - Trần Xuân Hợp - Thái Anh - Bảy Thi
            Lê Trường Hưởng - Thái Anh - Phan Bạch Châu
    
Dịch giả Phan Bạch Châu đang giới thiệu "Băng giá đầu đời"
 

Có một sự trùng hợp thú vị: năm ngoái, cũng khoảng thời gian này, và cũng đúng dịp Hà Nội rét tê rét tái, rét cắt ruột cắt gan thì Thái Anh trở về!
Năm nay cũng như năm ngoái , Thái Anh đều báo cho tôi là đã về và rét quá nên chỉ…chui vào trong chăn tránh rét nên không thể đi đâu được. Cũng phải thôi vì ở cái đất Phi Châu ấy, nắng nóng đến mức làm dân bản xứ cháy đen thui thủi thế kia, lại về đúng đợt rét nhất, thì làm sao mà chịu thấu!
Thái Anh bảo rằng tránh rét mấy ngày cho hoàn hồn rồi mới vào thành phố Vinh chơi ít tuần, “sau đó mới ra gặp các anh”. Tôi cũng đinh ninh thế, và các bạn bè hầu như đã biết tin.
Nhưng có một việc cũng khá “đột xuất”: Câu lạc bộ Bạn&Thơ mà tôi là một thành viên, tổ chức buổi ra mắt tập thơ Băng giá đầu đời do anh Phan Bạch Châu dịch từ nguyên bản tiếng Nga, thơ của các nhà thơ Nga danh tiếng. Anh Phan Bạch Châu gọi điện thông báo cho tôi, và Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trịnh Anh Vinh cũng đã mời Thái Anh đến dự.
Chiều hôm qua, chú dế của tôi bỗng gáy ri…ri…:
- Chào anh! em là Thái Anh đây!
- Chào em! em về bao giờ đấy?
- Em về được ba ngày rồi! Ngày mai em sẽ đến gần nhà anh rồi anh em mình đến nhà anh Châu nhé ( Nhà anh Châu cũng là “Trụ sở” của CLB Bạn&Thơ ).
- Thôi! để anh đến đón!
- Sợ anh đi xa vất vả!
- Chẳng sao đâu, anh đi chỉ mười phút, anh chờ ở Đài phun nước
( lại một trùng hợp nữa, năm ngoái chúng tôi cũng chờ Thái Anh và Hà Vân ở đây )
Đến tối, tôi chợt nghĩ, rét thế này, Thái Anh mới về chưa quen khí hậu, lại ngồi xe máy, phơi mặt ra lỡ ốm một cái thì phiền. Càng kinh, vì Thái Anh là bác sĩ được dân Luanda-Angola yêu mến lắm, nếu làm sao, họ biết tin kéo cả sang đây có mà chạy đằng trời! Tôi nghe nói họ cao to vật vã, mình chỉ đứng đến nách. Họ tung chưởng ra thì…ôi thôi…
Nguy thật! làm thế nào bây giờ nhỉ?
Trong lúc tiến thoái lưỡng nan, tôi nghĩ ngay đến hai chú em là Mỵ Duy Sơn và Bảy Thi. Cả hai đều có ô tô xịn và tay lái lụa Sở dĩ tôi nghĩ đến Mỵ Duy Sơn trước vì hay đến Câu lạc bộ khiêu vũ của chúng tôi ở Nhà văn hoá Kim Giang, gần nhà anh Châu nên rất thuộc đường; Chứ cả hai chú em đều rất nhiệt tình, chu đáo, với bạn bè chẳng tiếc gì, sẵn sàng “chơi đến cùng”.
Rất tiếc, Mỵ Duy Sơn phải về quê Thanh Hoá để dự đám cưới cháu, còn Bảy Thi không đắn đo nhận lời ngay sẽ đón Thái Anh ( anh Châu cũng đã gọi điện mời Bảy Thi rất trân trọng ). Vậy là xong, tôi có thể thở phào yên tâm.
Hôm nay, đúng giờ, tôi chờ ở điểm hẹn cách nhà anh Châu khoảng trăm mét
Một chiếc ô tô đỗ xịch trước mặt nhưng không phải xe của Bảy Thi, hoá ra Bảy Thi cùng Thái Anh đi Tắc Xi đến. Anh chàng biết là sẽ uống rượu nên tuân theo một nguyên tắc tự đặt ra rất nghiêm ngặt: uống rượu thì không lái xe!
Anh chị em trong Câu lạc bộ Bạn&Thơ đón tiếp Thái Anh và Bảy Thi rất nồng hậu như những người thân trong gia đình.
Chị Thanh Hoài, chị cả của CLB, năm nay đã 84 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, làm thơ đều và hay. Chị là dân hàng Đào chính cống, anh chị em của chị vẫn ở đó, còn chị…thuyền theo lái về Kim Giang. Hỏi ra mới biết gia đình chị là hàng xóm của Thái Anh, chị biết tường tận từng người trong gia đình Thái Anh. Hai chị em nói chuyện với nhau theo đúng kiểu “bán anh em xa…”. Thái Anh cứ tấm tắc khen chị vẫn đẹp, chắc là thời con gái xinh lắm. Quả là như vậy, tôi biết rõ điều này, vì cùng cơ quan với cả anh và chị đến mấy chục năm ( anh đã mất ). Tôi còn biết chị là tiểu thư Hà Nội đẹp duyên cùng với anh là bộ đội Cụ Hồ “đội mũ kê pi, chân chì bốn túi” rất oách về tiếp quản Thủ Đô năm 1954.
Buổi ra mắt tập thơ diễn ra ấm cúng, vui vẻ, sôi nổi. Tác giả Phan Bạch Châu giới thiệu tóm tắt về tập thơ song ngữ Băng giá đầu đời. Hai nhà Nga ngữ là các anh Nguyễn Hữu Điển, Nguyễn Hữu Tuỳ khen ngợi anh Châu chuyển ngữ xuất sắc, có nhiều sáng tạo, rất sát với nguyên bản, có giá trị nghệ thuật cao. Hai anh còn đặt anh Phan Bạch Châu ngang hàng với những dịch giả tiếng Nga lừng danh của nước ta..
Anh Nguyễn Công Hiển và Nguyễn Đức Phùng là những người đã đọc kỹ tác phẩm này cho những cảm nhận hay và sâu sắc.
Ông “trưởng nam” Nguyễn Trí Trái 82 tuổi đọc bài thơ viết tặng anh Phan Bạch Châu.
Lần lượt các anh Nguyễn Như Tước, nguyễn Đăng Minh nói lên cảm nhận của mình với Tập Thơ và với anh Phan Bạch Châu. Nguyễn Đăng Minh quả đã không sai khi đánh giá anh Phan Bạch Châu dịch còn hay hơn một vài vị đã dịch thơ Nga trước đó ( có so sánh từng bài, từng câu ).
Bảy Thi trước đây cũng đã từng du học ở Liên Xô đến 6 năm cũng góp vui những câu chuyện về nước Nga và những nhà thơ Nga nổi tiếng thế giới.
Thái Anh chỉ nghe và cười không nói gì, vì mới được cầm tập thơ và cũng muốn tỏ vẻ khiêm tốn trước các anh chị lớn tuổi.
Tôi cũng như Thái Anh và Bảy Thi, hôm nay mới nhận được tập thơ nên không nói gì được về Băng giá đầu đời mà chỉ nhắc lại Cuộc gặp bất đắc dĩ tôi viết về anh Phan Bạch Châu, có lẽ đúng là anh đã được uống ba viên Linh Đan của Thái Thượng Lão Quân nên sau tai biến anh lại khoẻ lên rất nhiều, sức làm việc tăng ghê gớm, bao nhiêu tác phẩm đã ra đời, Băng giá đầu đời là một minh chứng.
Một bữa ăn trưa “nhẹ” nhưng khá thịnh soạn liền sau cuộc họp. Mọi người nâng cốc bằng rượu XO Thái Anh mang về chúc mừng thành công của anh Phan Bạch Châu. Bảy Thi lúc này mới thể hiện cái duyên ăn nói và các tài lẻ. Mọi người trầm trồ thán phục và mới thấy rõ tôi đã giới thiệu về Bảy Thi quả không sai.
Xong, anh đi đường anh, tôi đi đường tôi. Bảy Thi cùng Thái Anh lại Tắc Xi về, còn tôi một mình một ngựa hồi gia…
Cũng hơi bâng khuâng một chút vì năm nay đến nhà anh Phan Bạch Châu không có em Hà Vân do em chưa về kịp, đang còn mải nghịch tuyết tân Pháp Quốc; và bác Hồ Văn Thiện vì…tôi không chủ trì cuộc họp.
Tiện đây tôi cũng xin lưu ý các quí vị Bloggers là em Thái Anh đã giao cho tôi chủ trì tổ chức cuộc gặp gỡ quí vị khoảng hai tuần sau nữa, có thể vào trưa thứ bảy và ở nhà hàng Bánh Tôm Hồ Tây ưa thích. Thời gian và địa điểm chính xác tôi sẽ kính báo quí vị sau; Chỉ mong quí vị khi nhận được tin, nể tình, trước là với em Thái Anh, sau là tôi, đến dự đông đủ cho. Xin được cảm ơn trước!

Nói thêm: em Thái Anh còn nhắc tôi phải đặt chỗ trước, tôi bảo em là cứ yên tâm, có phu nhân Hà Đình Chung ở đấy rồi, em có muốn lên nóc nhà hoặc ra giữa hồ Trúc Bạch ngồi cũng được chứ lại!

8/1/2011
L.T.H.


Chị cả Thanh Hoài 84 tuổi


Anh Nguyễn Trí Trái 82 tuổi đọc thơ mừng dịch giả Phan Bạch Châu

Anh Nguyễn Công Hiển- 81 tuổi đọc cảm nhận

Anh Nguyễn Hữu Tuỳ khen ngợi Phan Bạch Châu Nguyễn Đăng Minh tặng hoa Phan Bạch Châu

 
Nguyễn Như Tước tặng hoa Phan Bạch Châu
 Họa sĩ Nguyễn Đình Tranh tặng hoa Phan Bạch Châu
Phan Bạch Châu - Bảy Thi

                                                    
Bảy Thi đang có vài lời...