Trang

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2011! Thơ. Lê Trường Hưởng



Năm mới chúc các Blốc gơ( Bloggers)
Sức khoẻ, hạnh phúc , Văn, Thơ dạt dào
Nghệ thuật ngày một nâng cao
Trang mình đông bạn hữu vào kết thân
Sức sáng tạo gấp nhiều lần
Nhiều tác phẩm mới dần dần đăng lên
Niềm vui và nỗi ưu phiền
Cùng nhau san sẻ cho quên lo buồn
Ngoài đời thực gặp gỡ luôn
Tình cảm thắt chặt, ngọn nguồn hiểu nhau
Dù có đi bất cứ đâu
Khắp nơi quen biết, trước sau bạn mình
Chân thành chúc các gia đình
An khang, thịnh vượng, yên bình, vui tươi
Chúc cho tất cả mọi người
Hai nghìn mười một hơn mười năm qua!
Chúc Vi en oép blốc(Vnweblogs) ta
Hắc cơ(Hacker) chỉ dám đứng xa…mà nhìn
Số người gia nhập tăng thêm
Cùng nhau gìn giữ vững bền sân chơi!
Hai nghìn mười một đến rồi
Lòng người như cũng ngời ngời sắc Xuân!

L.T.H.

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

ENTRY KẾT THÚC NĂM. Thơ. Lê Trường Hưởng







 
HAI NGHÌN MƯỜI (2010)


Ngỡ là năm chẵn lắm điều may
Đâu biết Toàn Cầu lắm rủi thay!
Núi lửa phun trào nhà sập hết
Lũ to ngập lụt của trôi đầy
Cháy rừng phủ kín trời đầy bụi
Giẫm đạp chất chồng đất chật thây
Lở đất, sập hầm rồi bão tuyết
Hai nghìn muời(2010) muốn: chóng qua ngay!

L.T.H.






 

NĂM CŨ, NĂM MỚI


Năm cũ- trôi nhanh cũng sắp qua
Vui, buồn đọng lại ở trong ta
Nhân tình thừa những điều gian dối
Thế thái thiếu bao nỗi thật thà
Thế giới thiên tai luôn nối tiếp
Toàn cầu nhân hoạ vẫn chưa qua
Yên bình, hạnh phúc và no ấm
Năm mới- ước mong của mỗi nhà
 
L.T.H.

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

THẢM CẢNH. Thơ. Lê Trường Hưởng

Trong chuyến đi công tác cho Dự án phát triển giáo dục tiểu học vùng sâu, vùng xa. Bạch Dương đã ghi lại những hình ảnh này tại vùng cao phía Bắc. Tức cảnh, tôi đã làm bài thơ Thảm cảnh đề cho những bức ảnh...


Trời ơi! lớp học thế này?
Khác gì lều chợ? gọi ngay là trường!

Trông các em thật là thương
Bé thơ lẫm chẫm trên đường tự đi


 Lớp mẫu giáo có những gì?
Vài chiếc bàn gỗ, dạy tuỳ…các cô


 Đường đi đất đá lô nhô
Thấy đâu bóng dáng ô tô lên ngàn?


Đông về giá rét ngập tràn
Trống hơ, trống hoác hứng làn gió qua

Nhìn cảnh mà thấy xót xa
Kinh phí Giáo Dục biết là đi đâu?

Quên mất vùng xa, vùng sâu
Người ta còn mải mưu cầu vinh hoa

Một bữa tiệc hãy bớt ra
Giảm đi phè phỡn, dứt đà…ăn chơi

Hãy vì “sự nghiệp trồng người”
Bác Hồ đã dạy quên lời đó sao?

L.T.H.

Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

CUỘC GẶP BẤT ĐẮC DĨ.Truyện. Lê Trường Hưởng

Cách đây khoảng bốn năm, Tiến sĩ Khoa học, Dịch giả, Nhà thơ Phan Bạch Châu bị một cơn tai biến; May nhờ có vợ anh Tiến sĩ Y Khoa Nguyễn Thị Hồng, anh đã ở lại trần thế. Nhân sự kiện này, tôi viết truyện "Cuộc gặp bất đắc dĩ". Nhưng cũng từ đó đến nay, có những chuyện lạ xảy ra khá trùng hợp! TS. Phan Bạch Châu sức khỏe không những không giảm sút mà lại càng ngày càng tăng: ăn khỏe, ngủ khỏe, đi khỏe: liên tục có các chuyến xuyên Việt và ra cả nước ngoài không biết mệt. Sức làm việc thì tăng gấp nhiều lần. Ngoài công việc chuyên môn anh giúp cho Hội Cảng Đường Thủy và Thềm Lục Địa, còn kiêm Trưởng ban biên tập Tạp chí Biển&Bờ, rồi sáng tác, dịch thuật...Anh đã công bố đến dăm đầu sách các loại; Cứ y như anh đã được uống ba viên Linh Đan của Thái Thượng Lão Quân, và Nam Tào "đề nghị" anh sống thêm vài giáp như truyện tôi viết!
Tôi đăng lại Truyện này để minh chứng.Nhân tiện cũng gửi tới Cu Vinh một lời nhắn: "nói xấu", tôi cũng đã có...thâm niên!


chauphanbach chauphanbach
                                             TS. Phan Bạch Châu

CUỘC GẶP BẤT ĐẮC DĨ



 Một buổi tối mùa đông, trời rất lạnh. TV truyền hình ảnh tuyết rơi đầy trên đỉnh Mẫu Sơn, từng đoàn người kéo nhau lên chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên kỳ thú hiếm thấy ở xứ nhiệt đới.
Chương trình thời sự, tiếp đó là dự báo thời tiết trên VTV vừa kết thúc, cũng là lúc dùng xong bữa tối, Bạch Châu uống nước, nghỉ ngơi đôi chút rồi lại tiếp tục ngồi vào bàn làm việc, cặm cụi sửa bản in thử tập thơ " Mùa lá rụng " do chính mình dịch từ nguyên bản tiếng Nga, chuẩn bị xuất bản.
Hồi lâu, thấy trong người khó chịu, một cảm giác mệt mỏi, rã rời xâm chiếm. Bạch Châu ngừng công việc, ngả lưng tạm trên chiếc ghế Xô Pha gần đó.
Bỗng có tiếng chân người bước huỳnh huỵch, gấp gáp ở phía cầu thang. Cửa phòng bật mở, hai người cao lớn, vạm vỡ, hình dung cổ quái xông vào. Một người mặt đen như than, hai con mắt đỏ ngầu, to bằng hai chiếc chén tống, như lồi ra khỏi hốc mắt, cái miệng rộng ngoác, loe ra như miệng bình, lởm chởm toàn răng trắng nhởn, trên đầu có hai cái sừng nhọn, cong như sừng trâu. Một người mặt xanh lè, mắt ti hí, mõm nhọn, trên trán có một chiếc sừng ngắn như sừng tê giác, hai mép lòi ra hai chiếc răng nanh cong veo, nhọn hoắt. Hai người mặc đồng phục rất kỳ quái: nhiều vạt, nhiều lớp, hai vai chìa ra như hai mái nhà, giữa ngực có một vòng tròn to tướng, đai lưng to bản. Không rõ trang phục may bằng gì mà khi cử động có tiếng loảng xoảng kim khí. Tay hai người cầm cùng một loại binh khí: đó là một cây gậy to và dài, trên đầu có gắn 1 lưỡi hái sắc lẹm. Người mặt xanh còn cầm thêm 1 cuộn dây thừng sợi nhỏ, săn chắc.
Người mặt đen cất tiếng, giọng oang oang như lệnh vỡ:- Bạch Châu! dậy! đi theo bọn ta mau!Giật bắn mình, vẫn nằm trên ghế, Bạch Châu mở mắt ra nhìn thấy hai khuôn mặt khủng khiếp vừa rất lạ, lại vừa quen quen như đã gặp hay nhìn thấy ở đâu đó, liền hỏi:
- Các ông là ai? các ông ở đâu? tại sao lại vô cớ xông vào nhà tôi? các ông không biết phép lịch sự à?
- Lịch sự? vậy thì bọn ta cũng lịch sự nói cho ngươi biết ngươi đã bị bắt!- người mặt xanh nói.
- Bắt tôi ư? các ông có nhầm không đấy? -
Bạch Châu hỏi lại.

- Nhầm làm sao được! bọn ta đã theo dõi ngươi từ lâu lắm rồi!
-người mặt đen trả lời.
- Nhưng bắt tôi vì tội gì?
- Tội nhầm chỗ và tội cứng đầu!
- Nhầm chỗ? chỗ nào? tại sao?
- Tại sao thì đi theo bọn ta sẽ biết!
- Nhưng lệnh bắt tôi đâu?
- Cái bọn trí thức này hay lý sự lôi thôi, giải hắn đi!
- người mặt đen quát.- Tôi phản đối!... Bạch Châu nói chưa dứt lời đã thấy mình như bị lôi tuột xuống một cái hố rất sâu rồi bị kéo lê theo dọc một đường hầm dài hun hút, tối đen như mực, hai tai nghe văng vẳng tiếng giun dế kêu ri ri, và thấy lạnh buốt dọc sống lưng...Cuối cùng cũng đến được một căn phòng rộng rãi, ánh sáng bập bùng, mờ ảo phát ra từ những bó đuốc cắm trên tường. Trên chiếc bục cao ở cuối phòng có kê một chiếc án thư dài sơn son thiếp vàng, đằng sau án thư, trên chiếc ghế chạm trổ cầu kỳ là một người ngồi oai vệ, mặc y phục giống như vua, đầu đội mũ có rèm che bằng những hạt ngọc nhỏ, mặt người này trắng toát như sáp nến. Đứng hai bên là hai người dáng vẻ thư sinh, đội mũ ô sa. Phía trước án thư, ở bên dưới là hai hàng lính mặc võ phục xanh đỏ, mặt mũi cổ quái, không rõ là người hay là thú, tay mỗi người cầm một cây trượng vuông, tựa vào vai, một đầu chống xuống nền nhà.Bạch Châu bị lôi qua ngưỡng cửa, đến trước án thư, giữa hai hàng lính.
- Quì xuống! Người mặt đen rít trong cổ họng.
- Tôi chưa bao giờ biết quì! Bạch Châu cứng cỏi đáp.
-  Qù...ì...! cả hai hàng lính đồng thanh trầm trầm như tiếng gầm của thú dữ.
Bạch Châu vẫn đứng sừng sững! Người mặt xanh đạp mạnh vào khoeo chân, Bạch Châu khuỵu xuống, định vùng đứng lên nhưng không làm sao nhấc nổi mình.
- Người kia! họ tên là gì? ở đâu đến? bị bắt xuống đây vì tội gì? - Người ngồi sau án thư hỏi.
- Trước hết, ông phải cho tôi biết tôi đang ở đâu, và ông là ai đã chứ! - Bạch Châu trả lời.
- Hỗn xược! ta nói cho ngươi biết, ngươi đang ở Diêm La Điện, Đại Vương đây là Diêm Vương, ta là Hữu Phán Quan còn vị đứng bên kia là Tả Phán Quan. Dẫn giải ngươi là Hắc Sứ Giả và Thanh Sứ Giả. - người đứng bên trái nói.
- Khi bắt tôi các ông đã biết tôi là ai, tôi ở đâu, để bắt tôi các ông ghép cho tôi tội gì mà chẳng được, việc gì còn phải hỏi! - Bạch Châu đáp.
- Bẩm Đại Vương, tên này là Bạch Châu, sinh năm Mậu Dần, hiện ở Kim Giang, chúng thần bắt y vì tội nhầm chỗ và tội cứng đầu. - Hắc Sứ Giả tiến lên thưa.
- Tội cứng đầu quả không oan! - Hữu Phán Quan nói nhỏ vào tai Diêm Vương.
- Đại Vương hỏi ngươi là theo đúng trình tự của luật pháp, phải xác định đúng người, đúng tội, ngươi rõ chưa? - Tả Phán Quan nói
- Luật pháp? luật pháp nào vậy? Luật pháp nào lại vô cớ xông vào nhà tôi, bắt tôi đi mà không hề có lệnh bắt và lệnh khám xét? - Bạch Châu giận dữ nói.
Nghe đôi bên đối đáp, Diêm Vương bỗng chột dạ nói nhỏ với Hữu Phán Quan:
- Cái tên Bạch Châu ta nghe cũng quen quen, nhưng ta nhớ là chưa tống đạt trát đòi người này! Vậy Quyết dịnh của Nam Tào đâu, mau đưa ta xem!
- Bẩm... không... có! -
sau khi tra sổ hồi lâu, Hữu Phán Quan thưa.
- Nguy rồi! nối máy cho ta nói chuyện với Nam Tào mau!- Diêm Vương ra lệnh cho Hữu Phán Quan.
Gần như tức khắc ống nghe được đưa vào tay Diêm Vương. Cuộc đàm thoại bắt đầu, không hiểu họ dùng thứ ngôn ngữ gì mà Bạch Châu mặt cứ nghệt ra chẳng biết một từ nào, mặc dù Bạch Châu thông thạo đến vài ngoại ngữ!
Có lẽ cuộc nói chuyện quan trọng và căng thẳng nên Diêm Vương đứng bật dậy, lưng cong, gật đầu lia lịa. Còn hai vị Phán Quan lắc đầu, lè lưỡi nhìn nhau.Liên lạc vừa dứt, Diêm Vương lật đật chạy xuống, quát sai người lấy ghế, đỡ Bạch Châu dậy và nói:- Mời tiên sinh ngồi! chúng tôi có sự thiếu sót, nhầm lẫn! tôi xin giải quyết ngay bây giò!Nói xong Diêm Vương lại lật đật chạy về chỗ ngồi, đập bàn thét lớn:
- Hắc, Thanh sứ giả! sao chưa có lệnh mà các ngươi đã dám bắt người?
- Bẩm Đại Vương! tên...à... Tiên Sinh đây phạm tội quả tang chúng thần tưởng không cần chờ lệnh, vả lại bắt nhầm còn hơn bỏ sót! -
hai sứ giả nói
- Láo xược! các ngươi có biết các ngươi đã gây ra hậu quả nghiêm trọng thế nào không? - Diêm Vương quát ầm ầm như động đất rồi nói tiếp:
- Lần trước cũng do nhầm lẫn lại quá chậm trễ nên cái xác của Trương Ba đã bị phân huỷ. Ta và ngài Nam Tào đã có sáng kiến cho hồn Trương Ba nhập vào xác lão hàng thịt, tưởng đó là phương án tối ưu, cả hai bà vợ đều vẫn thấy chồng mình, một phần hồn, một phần xác, nào ngờ có tranh chấp quyết liệt, kiện tụng kéo dài, phức tạp vô cùng...- Diêm Vương ngừng một lát lấy hơi rồi nói tiếp:
- Đã thế, trên dương gian có một gã nhà văn lại viết một vở kịch lấy luôn tên là  "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" công diễn khắp nơi, bêu riếu làm ta mất mặt, cay đắng vô cùng! Lần này có khi còn tệ hơn vì động chạm đến vấn đề Nhân quyền, Quốc tế người ta đang đề cập đến!
- Xin Đại Vương bớt giận! hai vị sứ giả từ trước đến nay đã có nhiều công lao...
- Hữu Phán Quan thưa.
- Hắc, Thanh sứ giả nghe chỉ! - Diêm Vương cao giọng
- Tội lỗi tái phạm của hai ngươi không thể dung tha! Nhưng xét công trạng đã lập được của hai ngươi, ta tha cho tội chết! nhưng cách chức sứ giả, đầy xuống tầng địa ngục thứ chín làm quản giáo!
- Tuân chỉ! tạ ơn Đại Vương! -
hai Sứ giả phủ phục bái lạy.
- Bộ Hộ đâu?- Diêm Vương gọi to sau khi trấn tĩnh giây lát.
- Có thần! - quan coi Bộ Hộ bước ra vòng tay cung kính.
- Khanh đưa ngay Bạch Châu tiên sinh lên Thiên Đình, ngài Nam Tào cần gặp!
- Tuân chỉ!
- quan coi Bộ Hộ đến cầm tay Bạch Châu định kéo đi.
- Khoan đã! khanh định đưa Tiên sinh đi bằng phương tiện gì? - Diêm Vương hỏi.
- Bẩm Đại Vương, Bạch Châu tiên sinh trước đây du học ở Liên Xô cũ, thần sẽ thu xếp để Tiên sinh đến sân bay vũ trụ Baicônua đi tàu vũ trụ Phương Đông 2007.
- Tốt lắm! thế mới kịp! nhưng nhân đây ta cũng nhắc khanh: làm gì có Liên Xô mới mà khanh gọi là Liên Xô cũ? Nói Liên Xô tức là cũ rồi! Khanh là quan văn mà không biết dùng từ sao?
- Đại Vương anh minh! thần đã sáng ra rồi!

...Bạch Châu bỗng thấy lâng lâng như bay lên chín tầng mây, trời sáng dần, những tia nắng vàng rực rỡ. Réo rắt đâu đây tiếng đàn Balalaica đang tấu lên khúc nhạc Kalinka vui tươi và khúc nhạc Chiều ngoại ô Moskva tha thiết, thân quen...
Phút chốc đã lên tới cổng Thiên Đình. Mây trắng ken dày như tấm thảm bồng bềnh dưới chân. Bên cạnh hai cột trụ cao ngất đắp nổi hai con rồng cuốn, Tiên ông phụ tá của Nam Tào đã đứng chờ sẵn, bước ra đon đả:- Chào Bạch Châu tiên sinh! mời tiên sinh theo tôi!Hai người đi dọc theo một nhà cầu dài ra tới một khu vườn rộng, chan hoà ánh nắng, ngào ngạt hương hoa thơm, cỏ lạ, tiếng chim hót líu lo. Dưới gốc cây Bồ Đề cổ thụ, Nam Tào và Bắc Đẩu đang ngồi đánh cờ bên chiếc bàn là một phiến đá cẩm thạch lớn, nhẵn bóng. Có lẽ đã đến lúc cờ tàn nên cả hai vị mắt đăm đăm nhìn vào bàn cờ, vẻ mặt căng thẳng. Hai tiên đồng đứng sau lưng hai vị, sợ làm kinh động cũng đứng im phăng phắc không dám phe phẩy hai chiếc quạt lông to tướng cầm trên tay.
- Chiếu tướng! ngài hết cờ rồi nhé!- Nam Tào vỗ đùi cười đắc thắng
Tiên ông phụ tá tiến đến nói nhỏ vào tai Nam Tào, lập tức Nam Tào quay lại đứng dậy bắt tay Bạch Châu:
- Anh Bạch Châu đã lên rồi đấy à? Mời anh ngồi! Ta xưng hô thế cho thân mật nhé! Vả lại mới phù hợp với thời buổi cơ chế thị trường và cả...hội nhập...Thế nào? anh thấy rõ tội danh mình rồi chứ?- Nam Tào mỉm cười.
- Tôi nghĩ là tôi chẳng có tội gì cả! - Bạch Châu phẫn uất -
Người ta lại dám chụp cho tôi hai tội là tội nhầm chỗ và tội cứng đầu!
- Anh cứ bình tĩnh! Ta cùng trao đổi
- Nam Tào cười dàn hoà.
Và sau đây là cuộc đối thoại của hai người:

Bạch Châu (BC): Thứ nhất, về tội nhầm chỗ - chỗ làm việc ở cơ quan, tôi đã đảm nhiệm vài vị trí, thực hiện rất tốt những công việc mà tôi đã được đào tạo bài bản, kỹ lưỡng, có học hàm, học vị hẳn hoi như thế là ngồi đúng chỗ! Còn chỗ ở, tôi cùng gia đình ở đúng nhà tôi mua, ngồi trên đúng phương tiện tôi sắm, không chiếm của người khác, sao gọi là nhầm chỗ được? Thứ hai, về tội cứng đầu - tôi luôn chấp hành sự phân công của tổ chức và yêu cầu của cấp trên; Không làm gì sai với đường lối, chủ trương, chính sách...sao gọi là cứng đầu được?
Nam Tào (NT): Anh biết một mà không biết hai! để tôi phân tích cho anh thấy: ở chỗ anh làm, anh luôn đứng ngoài guồng máy như thế là nhầm chỗ! Anh nên nhớ rằng anh chỉ là một chiếc đinh ốc nhỏ trong guồng máy ấy!
BC: Đúng vậy! nhưng tôi không thể là một chiếc đinh ốc tồi trong một cỗ máy tồi chẳng mấy chốc mà hỏng...
NT: Anh đâu phải là chiếc đinh ốc tồi?
BC: Đinh ốc có tốt lắp vào cỗ máy tồi có khi làm máy mau hỏng hơn! Vả lại tôi quen làm việc độc lập!
NT: Một người có học vị Tiến Sỹ, có trình độ, năng lực như anh mà cứ ngồi mãi cái ghế của anh cán bộ kỹ thuật, đáng lẽ anh phải ngồi ghế lãnh đạo! như thế chẳng phải là nhầm chỗ sao?
BC: Nhưng có ai cất nhắc tôi đâu?
NT: Anh định há miệng chờ sung chắc?
BC: Tôi lưu ý ngài là ngài đang xúc phạm tôi!
NT: Tôi không xúc phạm anh! nhưng anh phải nhớ rằng không có cái gì tự đến cả, phải vận động chứ!
BC: Nhưng tôi không quen luồn lọt hoặc chạy chức!
NT: Anh có cái khí khái của một ông đồ gàn, một kẻ hủ nho!
BC: Tôi đâu có học chữ nho?
NT: Đúng! tôi biết anh là người Tây học! nhưng ở phương Tây người ta cũng vận động tranh cử!
BC: Người ta khác...
NT: Tôi được báo cáo hai vợ chồng anh đều là Tiến Sỹ mà lại ở trong một khu chung cư tồi tàn, đi một chiếc xe ô tô Matiz Lẽ ra anh phải ở trong một biệt thự sang trọng và đi xe ít ra cũng phải là một "con Mẹc" - như hạ giới vẫn nói - như thế không phải là nhầm chỗ sao? Tôi cảnh cáo anh: anh định dùng khổ nhục kế hay là khai man tài sản?
BC: Ngài lại quá lời rồi! Tôi sống chân thành, trung thực. Đối với tôi, nhà và xe như thế đã là quá tốt! vì nó là mồ hôi nước mắt, là sự  tích cóp của cả gia đình, ba bề bốn bên mới có. Thực sự do bàn tay, khối óc chúng tôi làm ra, chứ đâu có xây và mua bằng...phong bì!
NT: Thôi! thôi! đừng nói đến cái "nền kinh tế phong bì" của các anh nữa! phức tạp lắm! tôi ngán đến tận cổ rồi!...À, mà hôm nay gặp người như anh cũng hay, tôi đỡ phải tìm cách từ chối nhận phong bì. Có kẻ trắng trợn lắm! nó dám mặc cả với tôi là, cứ mỗi năm cho nó sống thêm, nó biếu tôi hai trăm nghìn Ơ Rô!
BC: Hoá ra ngài cũng phải chịu sức ép nhỉ!
NT: Tại sao anh luôn luôn bất tuân thượng lệnh?
BC: Xin ngài nói rõ hơn?
NT: Núp dưới hai từ "phản biện" mỹ miều anh không tuân theo chủ trương kỹ thuật của cấp trên!
BC: Tôi không bao giờ chống lại những chủ trương kỹ thuật đúng đắn của cấp trên, tôi chỉ làm theo những yêu cầu kỹ thuật vốn rất khắt khe đòi hỏi. Tôi không thể bỏ qua những sai sót hoặc những gì thiếu chính xác.
NT: Nhưng sao anh lại cứ cứng nhắc thế? Uyển chuyển một chút vừa được lòng cấp trên vừa được việc có phải tốt hơn không?
BC: Có thể về phương pháp làm việc tôi phải rút kinh nghiệm, nhưng tôi không thể uyển chuyển trong kỹ thuật, không thể làm vừa lòng cấp trên bằng những sai sót kỹ thuật, vì sai một ly đi một dặm, lãng phí công sức tiền bạc của dân, có khi cả tính mạng con người, thí dụ như vụ sập cầu dẫn cầu Cần Thơ...
NT: Anh nhắc đến làm tôi đau lắm! Đau vì một lúc mất đi hơn năm chục mạng người, đau vì người ta bảo tôi tàn nhẫn, gạch không thương tiếc tên bao nhiêu con người! Nhưng những người đó tự gạch tên mình đấy chứ! Tôi có gạch tên ai đâu! Không tin, sổ đây mời anh xem!...
BC: Tôi cũng đau xót lắm! Chắc ngài cũng đã đọc bài thơ "Chia sẻ thương đau" tôi đăng trên blog khi nghe tin vụ sập cầu. Tôi đã viết:

Hiểm họa từ đâu ập xuống đời
Lòng tôi muối xát, Cần Thơ ơi!
Cầu mong người chết hồn siêu thoát
Những vết thương đau sớm phục hồi.

Tôi muốn hỏi xem thảm họa này
Thuộc về trách nhiệm của ai đây?
Quan cứ quan liêu ngồi hội họp
Dân lành sống chết cứ mặc bay.

P.B.C.
... ...
NT: Anh không phải là người ngậm miệng ăn tiền, nhưng sao trước những tiêu cực ở xung quanh anh, anh không dám đấu tranh?
BC: Người ta bảo đấu tranh, tránh đâu! Tôi chỉ nhẹ nhàng dùng ngòi bút cảnh tỉnh xã hội.
NT: Đấy! rõ ràng anh không có dũng khí!
BC: Nhưng tôi không thể giơ ngực trước làn đạn, vả lại tôi chỉ là hạt cát!
NT: Không có người lấy thân mình lấp lỗ châu mai, lấy thân mình chèn pháo, lấy thân mình làm giá súng phỏng có thắng lợi không? Không có những hạt cát phỏng có bãi biển không?
BC: Nhưng...
NT: Nhưng cũng phải công nhận anh có cốt cách của một sĩ phu yêu nước, ít ra trong tư duy, anh không chấp nhận thực tại, muốn có một sự thay đổi tốt đẹp hơn: "Ngày mai trời lại sáng". Tôi đã đọc bài thơ này và bài thơ "Viếng mộ cụ Huỳnh" của anh nên hiểu anh hơn, nhưng anh còn rụt rè lắm! còn bảo mạng lắm!
BC: Thưa...đó là những vấn đề nhạy cảm!
NT: Lại nhạy cảm! trí thức các anh có đặc điểm chung là hay im lặng, động đến thì lại nói "vấn đề nhạy cảm" để lảng tránh, như con ốc chui vào vỏ!
BC: Làm sao được! chúng tôi phải tự bảo vệ mình!
NT: Tóm lại, anh có một số thiếu sót, một số lỗi lầm nhưng chưa cấu thành tội phạm, nên miễn truy cứu. Anh tự vấn lương tâm mà sửa!
BC: Thế mà tôi bị qui chụp...
NT: Đó lại là sai sót của chúng tôi, cũng do một số người thực thi nhiệm vụ chưa đủ trình độ...
BC: Nhưng họ cũng học hành, đỗ đạt đàng hoàng kia mà?
NT: Họ có học thật hay không, bằng cấp có thật hay rởm? chúng tôi còn phải kiểm tra lại!
BC: Tôi tưởng chỉ có dưới hạ giới...
NT: Tôi biết các anh thường hay nói "Trần sao, Âm vậy!". Thấy anh là người kín đáo tôi nói riêng với anh điều này: "Trần sao...Thiên vậy!"
BC: Ồ...!
NT: Phần tôi sửa sai bằng cách mời anh về hạ giới sống thêm vài giáp nữa!
BC: Thưa ngài, thế có nhiều quá không? còn những người khác?...
NT: Ngay cả sự sống mà anh còn nghĩ cho người khác, tôi cảm phục đấy! Tiên đồng đâu!
Một Tiên đồng mặc bộ áo màu xanh biếc bước ra từ đám mây hồng, hai tay bê một chiếc hộp nhỏ rất đẹp, trên viết chữ nho bằng nhũ vàng lóng lánh.
NT: Đây là 3 viên Linh Đan do Thái Thượng Lão Quân luyện trong lò Bát Quái đã một trăm năm nay, có tác dụng cải tử hoàn sinh, cải lão hoàn đồng anh hãy dùng ngay!
BC: Cảm ơn ngài! lên tới chốn này không mất gì mà lại còn được quà đặc biệt, quả là tôi không tưởng tượng nổi! có lẽ không phải ngày mai mà hôm nay trời sáng rồi!
NT: Để hài hoà, anh cứ về sống tạm một giáp nữa rồi tính sau! Cố gắng dịch thêm nhiều tác phẩm văn học Nga và làm nhiều thơ. Tôi nghe nói nhà anh là nơi sinh hoạt của Câu lạc bộ "Bạn và Thơ" phải không? Lúc nào rỗi tôi xuống học thêm ít thơ mới, tôi chỉ thạo Đường luật...
BC: Vâng! rất hân hạnh, thưa ngài!
NT: Còn các đề tài nghiên cứu khoa học về Cảng, anh tập trung hoàn thành càng sớm càng tốt, hiện Ngọc Hoàng đang rất phiền lòng về tình hình xây dựng Cảng bừa bãi dọc sông Ngân Hà. Thượng Đế đang muốn có một qui hoạch tổng thể chặt chẽ, hợp lý các cụm Cảng để xem xét có nên đầu tư xây thêm Cảng mới nữa hay không.
BC: Thưa... tôi đang tích cực hoàn thành
NT: Tôi cũng nói riêng để anh biết Ngọc Hoàng Thượng Đế để ý đến anh đấy! Thôi! cứ như thế! anh về nhé!
Nam Tào vỗ mạnh vào vai Bạch Châu cười vang, Bạch Châu choàng tỉnh, mở mắt ra nhìn. Hai gương mặt đầu tiên Bạch Châu nhìn thấy đó là người vợ hiền yêu quí và cô con gái rượu Hồng Anh...
Cả hai người cùng reo to:- Ba tỉnh rồi! gớm! hết cả hồn!Sau đó một tháng "Mùa lá rụng" được xuất bản, một tháng nữa là "Một chuyện tình", hai tháng tiếp theo là "Cơn mưa"...
Không hiểu sẽ còn bao nhiêu đứa con tinh thần nữa của Bạch Châu sẽ ra đời sau cuộc gặp bất đắc dĩ với Nam Tào? 


( Đã đăng Tháng 5-2008 )

L.T.H

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

HỌC TRÒ TRƯỜNG THUỐC. Hài...Văn. Lê Trường Hưởng

Nó nói xấu, Anh nói xấu, Tôi…nói xấu
Nói xấu…không thèm sau lưng!
( Ăn theo, nói leo…Cu Vinh )

 My photo

HỌC TRÒ TRƯỜNG THUỐC

Hắn tên là Tản,
Chữ đệm là Bá
Họ là Huỳnh
Họ, tên đầy đủ để điền vào các loại giấy tờ là Huỳnh Bá Tản.

Riêng cái họ “Huỳnh” này, theo kinh nghiệm của tôi - một người đã từng bôn ba khắp hai miền Nam Bắc, thì có thể đoan chắc rằng, hắn là dân Nam Bộ chính cống, quê hắn ở Sài Gòn, hoặc Lục Tỉnh gì đó. Hắn không nói và tôi cũng chẳng dại gì mà hỏi, bởi lẽ nếu hỏi, lỡ hắn tưởng tôi muốn vào thăm quê hắn, hắn lại có lời mời thì khốn! Bình thường được người ta mời thì sướng quá đi chứ! Nhưng xin quí vị hiểu cho: riêng tiền mua vé máy bay khứ hồi cũng đã cứa đứt gần hết tháng lương hưu…còm của tôi, lại còn bao nhiêu thứ kèm theo nữa chứ. Ai cũng thế thôi, Nhà nước trả lương hưu cho anh để anh sống nốt quãng đời còn lại ở tại chỗ. Khi anh về Thế giới bên kia ( bây giờ người ta gọi là Thế Giới Tâm Linh ), Nhà nước trả nốt tiền Tuất cho gia đình anh thế là hết nợ! chứ có đâu mà để cho anh đi đây, đi đó!

Hắn bao nhiêu tuổi tôi cũng chẳng biết, vì hắn không tông tốc khai báo trên Avatar như tôi! Nhưng tôi cũng đoán được tuổi của hắn thoả mãn bất đẳng thức toán học sau đây:
40 < Tuổi < 50
Sở dĩ tôi lập được biểu thức trên là căn cứ vào cách hắn xưng hô với tôi, một điều “thưa bác” hai điều “học trò”. Khi hắn xưng hai chữ “học trò”, chẳng dấu gì quí vị, tôi sướng rên lên, sướng lắm! sướng rất lâu vì được người như hắn tôn làm Thầy. Sướng đến nỗi tôi cứ đọc đi đọc lại comment của hắn để nhâm nhi cái vị…ngon của con chữ.
Nhưng đến một hôm tôi bỗng ngớ ra, lẩm bẩm một mình:
- Ơ! ơ! Mình một nghề, hắn một nghề, làm sao dạy được hắn mà đòi nhận làm thầy! Vả lại mình có dạy hắn ngày nào đâu?
Cứ thế ngồi lặng hồi lâu, trong đầu một tia chớp xẹt qua, tôi vỗ đùi đánh đét một cái rồi kêu to:
- Trúng rồi!
- Lại có muỗi hả ông? Con cháu nội tôi ngồi học bài gần đấy quay sang hỏi
          - À…à…không…không…Tôi ấp úng vì hơi vô ý ảnh hưởng đến sự tập trung của cháu.
Cái điều tôi vừa nghĩ ra, đắc ý, cho là rất trúng ấy chính là hai chữ “học trò”.
Học trò hắn vẫn dùng ở đây đúng là Công Tôn Sách thường xuyên xưng hô với Bao Công. Ai cũng biết  Công Tôn Sách là cánh tay phải, là trợ thủ đắc lực cho Bao Đại Nhân. Có thể nói Công tôn Sách là “tham mưu trưởng” là một phần bộ não của Bao Đại Nhân, đã giúp Bao Đại Nhân phá nhiều vụ kỳ án và xử lý rất đẹp nhiều tình huống gay cấn. Công Tôn Sách là con người học rộng, tài cao, rất thông minh, sáng suốt.
Trúng phóc hắn ví mình như Công Tôn Sách! cũng như Khổng Minh ví mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị!
Vậy là tôi hoàn toàn yên tâm, từ nay nghe hắn xứng “học trò” tôi không thấy ngượng nữa (vì biết chắc hắn là ai, và xưng hô không phải với mình); Nhưng thú thực, cái sướng vẫn còn…râm ran.

Tôi lờ mờ biết được ( nhưng lại cho là chắc chắn ) rằng hắn sinh trưởng trong một gia đình trí thức khá giả. Ba mẹ hắn đều là những người Tây học, rất tân tiến, nhưng lại dậy dỗ hắn bằng cái lễ giáo Phong Kiến cổ lỗ đã hàng nghìn năm. Bởi vậy hắn hoàn toàn thiếu tự nhiên, đi đứng thì khoan thai, đĩnh đạc, nói năng thì lễ độ, một điều thưa, hai điều gửi. Làm việc gì cũng cẩn thận, chu đáo, không dám làm điều ác còn để lại cái đức cho…cháu nội, cháu ngoại của ba, mẹ hắn. Tôi có cảm giác hắn bị gò vào khuôn phép như người ta gói bánh chưng hoặc gói giò ngày Tết. Người hắn được ghép lại bởi các khối vuông vắn, tròn trịa. Lắm lúc tôi thấy thương hắn, vì hắn thật không may, giá như cứ sinh trong một gia đình bình thường, thí dụ như bố mẹ bỏ nhau, không nhìn gì đến con cái, có phải hắn tự do đi bụi, muốn giao du với ai, muốn làm gì thì làm, chẳng phải học hành gì hết, đêm đêm ra cầu chữ Y nằm thoải mái ngắm sao trời ( bây giờ người ta gọi là khách sạn nhiều sao ) có phải sướng bao nhiêu không? Y thật khổ quá!
Y càng, khốn khổ nữa vì ba, mẹ y bắt y nhồi nhét bao nhiêu thứ vào đầu, ngoài chuyên môn còn Đạo đức học, Dân tộc học, Xã hội học, rồi Văn học, Triết học, Âm nhạc…

Ra trường, bẩy năm liền, hắn đi đâu cũng có xe còi hụ, các xe khác phải dạt sang bên tránh đường cho hắn đi. Hẳn có vị sẽ bảo rằng ranh con mới nứt mắt mà sao đã như Nguyên Thủ Quốc Gia được? Xin các vị chớ vội lầm! hắn học ngành Y, tốt nghiệp Bác Sĩ, người ta điều động hắn vào Trung tâm cấp cứu 115. Thời gian này Tử Thần căm hắn lắm, bởi đã giật khỏi tay ngài ấy bao nhiêu nhân mạng. Càng căm nữa vì không làm gì được hắn!
Về Viện, hắn trở thành Bác sĩ giỏi vào hàng nhất, nhì. Nhưng cũng từ đây mới hé lộ ra nhiều chuyện lạ, khiến tôi nghi ngờ. Mối nghi ngờ ấy càng ngày càng tăng, mình tôi không sao lý giải, tôi cứ trình bầy ra đây xin quí vị trợ giúp xem sao:

Thứ nhất, tôi thấy ai cũng gọi hắn là “Mẹ hiền”
Sao lại thế nhỉ? hắn là đàn ông chính cống kia mà? chắc chắn hắn không phải là “Gay” vì hắn đã có vợ có con. Hay là hắn…lưỡng tính? Tôi vẫn thường xuyên xem đủ các loại báo, chưa thấy Thế giới có trường hợp này bao giờ ( xin quí vị đừng nhầm với vài ca “thai trong thai”). Hay hắn là người hành tinh khác đến? chính đây là “mối nghi ngờ càng ngày càng tăng” của tôi đã nói ở trên.
Xin quí vị theo dõi tiếp

Thứ hai, mồm hắn luôn lẩm bẩm hai từ “Y đức”, hắn coi bệnh nhân cứ như người nhà, chăm sóc, chữa trị rất tận tình. Điều này không khó hiểu lắm vì tôi phải nói ra một thực tế hiện nay là, sau khi phong bì đã nằm trong túi Bác sĩ, ngay lập tức bệnh nhân thành người thân! Nhưng đằng này, hắn kiên quyết lắm, không nhận phong bì bao giờ. Thậm chí có những bệnh nhân nghèo quá hắn còn cho tiền thuốc men, tầu xe đi về…
Vậy hắn sống như thế nào đây? vợ con, gia đình, nhà cửa, xe cộ…bao nhiêu thứ phải tiêu?
Tôi tưởng tượng ra là nhà hắn giầu lắm, bốn chân giường chôn bốn cục vàng to bằng cái can 20 lít. Ngoài vườn (không biết nhà hắn có vườn không nhỉ?) chôn đầy các hũ vàng…Sau rồi thấy mình viển vông quá tôi lại quay sang…người ngoài hành tinh.
Hắn nói năng, xưng hô với bệnh nhân rất nhẹ nhàng, dịu dàng, khác hẳn vói nhiều Bác sĩ khác quen dùng…độc từ hoặc rất ngắn gọn và to như tiếng quát cho bệnh nhân dễ hiểu và…nghe rõ.
Tôi được vài người bạn kể lại rằng có lần ngồi với hắn trong quán, cứ thấy Di động cuả hắn réo liên tục, tất nhiên hắn phải trả lời liên tục. Có một cuộc  chắc là bệnh nhân nhí, thấy hắn cứ một điều: Con thấy trong người thế nào? Con phải làm thế này, thế kia rồi con uống thuốc này, thuốc kia…
Họ khen hắn nức nở, bảo hắn đúng là mẹ hiền. Riêng tôi lại nghĩ khác, con là con của người ta, không phải con hắn đẻ ra mà cứ nhận vơ, nhận váo, rõ dơ!

Thứ ba, Hắn đi làm hay đi trực xong là về thẳng nhà không la cà nhậu nhẹt
 ( trừ trường hợp đặc biệt ). Về đến nhà cơm nước xong, kèm cặp con cái học hành rồi chúi mũi vào trang Blog. Hắn không hề có phòng khám tư, hoặc cộng tác với phòng khám tư nào. Nếu có dịp mời các vị trong ấy ra Hà Nội mà xem, ngay đối diện với Bệnh Viện Bạch Mai ( rất gần nhà tôi ) là một dãy các phòng khám, chiều dài cũng gần bằng chiều dài Bệnh Viện. Các Bác sĩ danh tiếng của Viện hầu hết có tên ở đây. Tôi không dám trách gì họ bởi lẽ có nhiều lý do họ phải “làm thêm” ở đây. Có trách chăng khi họ “chân  ngoài dài hơn chân trong.”

Tôi cũng xin tiết lộ một chi tiết để quí vị biết, đó là nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nọ, tôi vào trang hắn chúc mừng và gửi tặng hắn bài thơ của tôi nhan đề “ Lời thề Hypocrat “. Nội dung bài thơ tôi nói về một bác sĩ lúc mới ra trường mang theo bao ước mơ hoài bão, mang hết tâm huyết vào việc chữa trị bệnh nhân, cứu được bao nhiêu người, làm được bao nhiêu việc lớn. Nhưng rồi cuộc sống xô đẩy anh. Khi anh đã có vợ con, bao nhiêu vấn đề đặt ra như nhà cửa, học hành của con cái, xe cộ, nhu cầu cuộc sống càng tăng khiến anh phải nhận phong bì, gạt Y đức sang bên, tiến tới sách nhiễu, bỏ mặc bệnh nhân nghèo…Mục đích tôi muốn nêu lên một thực trạng đau lòng hiện nay, và cũng là để ca ngợi hắn, vì hắn khác hẳn nhiều đồng nghiệp.  Không ngờ lại phản tác dụng! hắn có vẻ giận lắm, bảo thẳng tôi là đừng có nhìn nghề nghiệp của hắn bằng con mắt như vậy, không phải Bác sĩ nào cũng thế! Tôi ra sức thanh minh là tôi không vơ đũa cả nắm, chỉ nói điều có thực. Vậy mà hắn gần như từ tôi, mãi tôi mới làm lành được…

Hay là hắn bị thần kinh?
Nhìn trên Avatar của hắn, phía dưới ảnh, tôi thấy có dòng chữ:

Hoctrotruongthuoc
Stresss.s..s...s.....

Lúc đầu tôi cũng nghi, nhưng nhìn ảnh hắn thì trông chẳng có vẻ gì là thần kinh cả, hơn nữa, các bài viết của hắn sắc sảo lắm ( nhiều nhà văn có thẻ đã khen ). Hắn cũng mới nhập góc Đường Luật, một vài bài đầu còn “lởm khởm” nhưng sau đó các nhà Đường Thi lão luyện như Lê Khả Sỹ, Hồ Văn Thiện, Đông Hoà-Nguyễn Chí Hiệp, Hoa Huyền…đều khen nức nở. Như vậy chắc chắn không phải thần kinh!
Tôi lại quay về giả thuyết người ngoài hành tinh…

Ở Hà Nội tôi đã nghe có tin đồn là có một số vị Bác sĩ cũng giống như hắn, đề cao Y đức, cái tâm rất sáng, hết lòng chữa trị, thương yêu bệnh nhân như người thân trong gia đình, trợ cấp, giúp đỡ các bệnh nhân nghèo…Tôi chẳng phải là phóng viên báo nào ( chỉ là cộng tác viên ) nhưng chắc bị nhiễm hội chứng phóng viên, nổi máu muốn làm một phóng sự điều tra, đã cất công đến những chỗ đó. Nhưng có lẽ Hà Nội bây giờ quá rộng, ôm trọn cả tỉnh Hà Tây, nên lúc tôi tới nơi thì, hoặc các vị ấy vừa đi thăm bệnh nhân, hoặc đang đi công tác, hoặc đang ở nước ngoài…May mắn có vị đang ngồi trong phòng khám, nhưng bên ngoài bu kín đến mấy chục người chờ đợi. Thấy tôi có vẻ lấm lét đi qua, đi lại, hàng chục cặp mắt nhìn tôi nẩy lửa, chắc họ sợ tôi chen ngang. Lỡ tôi có đẩy cửa bước vào, ngần ấy người, dù có ốm yếu, nhẩy xổ vào một mình tôi thì thua là cái chắc! Thôi chả dại, tôi…lỉnh luôn.
Vậy là tôi chưa hề gặp vị nào giống hắn! giả thuyết người ngoài hành tinh càng đứng vững!

Tôi cũng đã xem Ti Vi và nhiều loại báo, trước đây người ta mô tả những người ngoài hành tinh nhỏ thó, gầy guộc, da xanh lét, mặt hình tam giác, hai mắt lồi ra như hai đèn pha. Nhưng vài năm gần đây, có người ở Trái đất đã gặp, mô tả lại, thì họ là những người giống chúng ta nhưng cao to, rất đẹp. Điều này tôi thấy có lý, vì họ ở hành tinh khác phát triển hơn chúng ta, nên hình dáng phải hoàn thiện hơn, và tất nhiên là thông minh hơn nhiều. Ngắm kỹ ảnh hắn tôi thấy hội đủ các tiêu chuẩn: đẹp trai, cao trên 1,7m nặng trên 70kg . Thông minh thì các vị biết rồi.
Có một chi tiết quan trọng suýt nữa tôi quên: Máu của người ngoài hành tinh màu xanh chứ không phải màu đỏ như của chúng ta.. Tôi ở cách hắn đến gần hai nghìn cây số không làm sao biết máu hắn màu gì. Tôi tha thiết nhờ quí vị, bằng cách nào đó ( quí vị tự nghĩ, vì tôi tắc tị, nghĩ không ra ) xem máu của hắn có phải màu xanh không? Nếu có tin tức gì nhớ gửi ngay về địa chỉ:
Lê Trường Hưởng
15 Nguyễn An Ninh-Hà Nội
Mobile: 0912038634
Nhớ là máu màu xanh!

L.T.H.

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010

KÝ ỨC TRƯỜNG SƠN. Chùm thơ. Lê Đình Lai

Kỷ niệm ngày thành lập Bộ Đội Cụ Hồ 22 tháng 12


        Nhà thơ Lê Đình Lai

BẾN PHÀ

Hàng xe đậu dài trên bến
Dưới sông sóng rộn lời ca
Phà ơi đi nhanh tăng chuyến
Chớp lửa tiền tuyến gọi ta

L.Đ.L.

TÌNH THÂN

Điếu thuốc chia đôi tớ với mình
Rít cho hóp má tỉnh tình tinh
Mai này xa cách đâu còn cảnh
Điếu thuốc chia đôi tớ với mình

L.Đ.L.
ĐÊM HIẾM

Lâu rồi mới có một đêm
Máy bay chẳng có, dù đèn cũng không
Cánh lái được dịp thung dung
Chân ga nhấn đến tận cùng vượt qua
Vừa nhô khỏi tán rừng già
Khắp đồi, khắp núi chan hoà ánh trăng
Ngước lên nhìn thấy chị Hằng
Như đang cười để vui cùng lái xe

L.Đ.L.
YÊN TĨNH

Dưới tán cây rừng
Những chiếc võng
Im lìm yên tĩnh
Ôm bên trong
Cánh lái ngủ ngon lành
Ngủlấy sức để đêm chạy tiếp
Tiền Phương đang chờ
những chuyến xe anh

L.Đ.L.
QUEN

Mấy năm nằm võng Trường Sơn
Về nhà nằm phản, nằm giường thấy đau
Quen được cũng phải lâu lâu
Quan rồi lại nhớ ngày đầu Trường Sơn

L.Đ.L.



Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

CU VINH. Hài...Văn. Lê Trường Hưởng

Nó nói xấu, Anh nói xấu, Tôi…nói xấu
Nói xấu…vỗ mặt

My photo 

CU VINH

Tên cúng cơm của y là Nguyễn Quang Vinh. Ai bị y làm cho bức xúc quá, muốn xả stress để khỏi bị thần kinh, cần chửi y, cứ réo tên này ra mà chửi!
Y sinh năm nào ai mà biết được, vì y có nói đâu? chỉ biết rằng y mới ương ương ( chẳng còn xanh mà lại chưa chín lắm ).
Y lập trang blog và tự xưng là “bọ Vinh”, đơn giản vì quê y tận Quảng Bình. Ở vùng đất “chang chang cồn cát” này, người ta quen gọi mẹ là “mạ” và bố là “bọ”. Sau hàng năm vắng bóng ( vì sao, chờ chút, sẽ nói ở dưới ), y quay lại đổi tên là Cu Vinh. Ai nhẹ dạ cả tin, sẽ cho là y nghĩ lại, thấy xưng  “bọ” với bàn dân thiên hạ đủ cả bé, lớn, trẻ, già hơi khiếm nhã; Nên tỏ vẻ lễ độ hạ mình thật thấp xuống…cu chăng?
Nhưng, những ai chỉ mới…ngà ngà đều hiểu ra ngay rằng y thật quỉ quái! chữ “Cu” là một cách đọc vui từ “Q”: Q. Trưởng Phòng, Q. Giám Đốc, Q.Tổng Giám Đốc, Q. Thứ trưởng…Ai cũng muốn nhanh chóng cắt…cu. Còn y, Quang Vinh thành Cu Vinh vừa có vẻ khiêm tốn vừa có vẻ ngây thơ , lại đinh đóng cột rằng y không bao giờ muốn cắt…Cu như người khác.
Một lý do nữa khiến y chuyển từ “bọ” sang “cu” là vì nhà văn danh tiếng Nguyễn Quang Lập- anh ruột y, cũng đã xưng là “bọ Lập”, y không muốn trùng, dễ nhầm; Thêm nữa, người ta lại tưởng y nương nhờ bóng ông anh, trong khi đó y cũng tai tiếng (Ôi! suýt nhầm: tăm tiếng!) không kém. Tác phẩm y đã công bố có dễ đến hàng thước Tây. Y còn là một kịch tác gia đình đám. Các vở kịch y viết ra, các Đoàn nghệ thuật, các Nhà hát tranh nhau dàn dựng, công diễn cứ rần rần.
Đối với bạn bè, y thật tận tình, chu đáo, quí hoá. Y là con người tài năng, nhưng lại khiêm nhường, khen chê đúng mức. Trong thế giới ảo có nhiều nhà văn nhà thơ có thẻ và không có thẻ, có cả những tay ngang, nhưng không bao giờ y tỏ ra kẻ cả, khen kiểu xoa đầu, họăc có giọng điệu kênh kiệu. Tính y vui vẻ, hài hước, dễ hoà nhập nên ít người…ghét.
Trở lại việc y vắng bóng hàng năm trên trang blog, hoá ra y dại dột, yêu vợ đến mức...không thể thiếu. Mai, vợ y bị chứng bệnh quái ác y học phải bó tay.Y không chịu, chạy đôn chạy đáo, vào Nam, ra Bắc. Hết chạy trong lại chạy ra ngoài, sang tận Singapore, tiêu hàng núi tiền, cuối cùng:
Trưởng khoa u bướu nói, anh đưa chị về, cho bồi dưỡng, để chị bên các con, anh chị em. Hết ( lời y kể).

Vợ y chỉ còn nằm thoi thóp chờ Sứ giả đến đưa đi gặp…Diêm Vương.
Nhưng chẳng biết y có cúng lễ gì không mà đã thấu đến Trời!
Một điều thần kỳ đã xảy ra!
Thư ký của một Quan Đại Thần trong triều bỗng dưng gọi điện cho y, sau khi nghe y mếu máo tường trình, vị này mách cho y Thầy Sáu ở Bình Dương. Y bay ngay vào Sài Gòn, gọi điện cho nhạc sĩ Trần Anh 3 là chỗ anh em thân thiết, không ngờ thầy Sáu lại là ân nhân đã cứu Chú của Trần Anh 3 thoát khỏi ung thư gan khi chỉ còn hấp hối!
Tức tốc đi ngay Bình Dương, chẳng hiểu y hót thế nào mà Thầy Sáu nhận lời ra Quảng Bình chữa cho vợ y, khi chưa có tiền lệ Thầy đi xa, lại đi máy bay! Ra tới nơi Thầy bắt mạch, cho thuốc rồi Thầy về ngay. Vợ y uống thuốc của Thầy 18 ngày sau thì các u gần như tan hết! Y gọi điện vào cho Thầy thì Thầy bảo đã hoàn thành nhiệm vụ với vợ chồng y, và chuẩn bị cho đợt thuốc mới, đã dặn kỹ đệ tử. Sáng hôm sau y lại gọi điện định nhờ Thầy cứu một người bạn, mới biết tin sét đánh: Thầy đã về Trời được 30 phút sau một cơn tai biến!
Đúng là như truyện cổ tích! Y đã được Trời sai Thầy Sáu xuống cứu vợ y, cứu xong, Trời lại gọi Thầy về ngay! Chẳng mê tín, không hề biết cúng bái nhưng tôi cũng phải tin điều này!
Thế mà lúc nhỏ, khi còn là thằng cu Vinh đúng nghĩa, Y nghịch ngợm quá, mạ y phải kêu lên: “cái thằng trời đánh này…” Lớn lên, gần thành cụ Vinh không những y không bị Trời đánh mà lại thương y! thật là lạ!
Cu Vinh xấu như thế đấy! tôi đã nói xấu vỗ mặt y. Ai chơi được với y cứ chơi, không chơi được thì…tránh xa!
Riêng tôi- từ khi gặp y ra Hà Nội dự buổi công diễn vở kịch Mắt Phố của y do Nhà hát kịch Hà Nội dàn dựng để đi dự Hội diễn toàn quốc- tôi không…cai được!

L.T.H.

Một số cảnh trong vở kịch "Mắt Phố" của Nguyễn Quang Vinh
do Nhà Hát Kịch Hà Nội biểu diễn



Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

NGƯỜI THẦY LỖI LẠC.Thơ. Lê Trường Hưởng

 
                                          Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh tư liệu


TTO - Vào lúc 17g20 ngày 16-12, tại bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), trái tim của nhà cách mạng lỗi lạc, nhà khoa học, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động, giáo sư Trần Văn Giàu - đã ngừng đập.
Đôi câu đối của giáo sư Hoàng Như Mai mừng Thầy, nhân dịp Thầy tròn 85 tuổi:
Tám lăm năm trên mặt địa cầu, có phen lội sình lầy, có phen vượt núi băng ngàn, có phen giẫm tuyết đạp băng nơi đất lạ và có phen mang xiềng gang xích sắt chốn lao tù... Đôi chân ấy bước qua thế kỷ vẫn còn dư sức lực.
Một đời sống trong lòng quần chúng, đã từng làm “phiến loạn”, đã từng điều binh khiển tướng, đã từng dạy sử luận triết trong giảng đường, lại đã từng bị kiểm thảo và phê bình quan điểm(!)… Con người này phục vụ nhân dân kể cũng lắm công lao.

NGƯỜI THẦY LỖI LẠC

Trần Văn Giầu- Người Thầy lỗi lạc
Tri thức cao, uyên bác vô cùng
Quê Thầy: xã An Lục Long
Châu Thành là huyện, thuộc vùng Tân An(*)

Vì Tổ Quốc muôn vàn yêu quí
Sang Pa ri quyết chí học hành
Nhưng rồi ước muốn chưa thành
Trước dinh Tổng Thống đấu tranh xá gì:

Án tử hình huỷ đi lập tức
Với những người chung sức đứng lên
Khởi nghĩa Yên Bái vang rền
Thế yếu, thất bại đi liền theo sau

Bị trục xuất, về đau với nước
Thiết tha mong Tổ Quốc tự do
Toàn dân hạnh phúc ấm no
Tham gia cách mạng dưới cờ Đảng ta

Biết bao lần vào, ra tù tội
Vững niềm tin, hướng tới ngày mai
Chín năm kháng chiến thật dài
Người đã bộc lộ đức,tài bẩm sinh

Tạo bước ngoặt đời mình: dậy học
Chuyển hẳn sang giáo dục: trồng người
Nghiên cứu khoa học, đồng thời-
Văn học, triết học tuyệt vời cao siêu

Dạy lịch sử là điều tâm huyết
Muốn “dân ta phải biết sử ta”(**)
Nhân tài thầy phát hiện ra
Dạy dỗ, chăm sóc thật là dày công

Không phụ Thầy dốc lòng tạo dựng
Bao học trò rất xứng với thầy
Nhiều người xuất sắc ngày nay
Ơn Thầy đã có bàn tay dắt dìu

Đất Nước tặng bao nhiêu danh hiệu(***)
Vẫn dường như còn thiếu với Thầy!
Thầy đi thật tiếc thương thay!
Nghiêng mình dâng nén hương này tiễn đưa…

L.T.H.

(*) Nay là Long An
(**) Lời Bác Hồ
(***) Giáo sư Trần Văn Giầu đã được tôn vinh:
- Năm 1996 Giải thưởng Hồ Chí Minh
- Năm 1992 Nhà Giáo Nhân Dân
- Năm 2003 Anh Hùng Lao Động


              Đại tướng Võ Nguyên Giáp và giáo sư Trần Văn Giàu - Ảnh tư liệu

Cố giáo sư Trần Văn Giàu bên bức tượng chân dung thời trẻ tại nhà riêng trên phố Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM, trước khi ông bán ngôi nhà này lấy 1.000 lượng vàng lập Giải

Với giáo sư Trần Văn Giàu, cả đời ông suy nghĩ về việc làm sao có ích cho đất nước, cho dân tộc - Ảnh: G.T.Sơn